Chúng ta mất gì trên mạng?
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:30, 07/09/2022
Đúng là chúng ta không phải trả tiền trực tiếp cho vô số các ứng dụng. Chẳng thế mà khi một ứng dụng khá phổ biến thông báo sẽ thu tiền sử dụng, đa số người dùng tuyên bố nếu vậy họ sẽ không dùng ứng dụng đó nữa mà chuyển sang các ứng dụng khác có tính năng tương tự. Với suy nghĩ đó, rất nhiều người thoải mái và hồn nhiên tự nguyện kê khai trên mạng các thông tin cá nhân của mình mà không biết đó chính là nguồn tài sản lẽ ra phải được bảo vệ cẩn thận.
Ảnh minh họa
Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ rao bán thông tin cá nhân trên mạng như hacker rao bán 100.000 tài khoản ngân hàng Việt Nam, gần 10.000 thông tin cá nhân gồm chứng minh thư nhân dân, ảnh selfie với giá hơn 200 triệu đồng. Bộ Công an cũng đang điều tra vụ rao bán 30 triệu thông tin cá nhân. Đây là những hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin cá nhân đối với các tổ chức, cá nhân người sử dụng internet. Chỉ đến lúc này, nhiều người mới ngộ ra rằng thì ra thông tin cá nhân của mình cũng có giá trị nhất định vì có giá thì mới được rao bán. Nhưng người ta sử dụng thông tin cá nhân để làm gì thì có lẽ không phải ai cũng hình dung ra.
Nếu thực sự có được và rao bán thành công thông tin cá nhân của người khác, các đối tượng hoàn toàn có thể sử dụng các thông tin này với mục đích xấu. Ví dụ, những kẻ lừa đảo dùng thông tin cá nhân để vay tiền các tổ chức tín dụng qua app bởi hồ sơ vay tiền chỉ cần các thông tin cá nhân chính xác và được duyệt một cách nhanh chóng, dễ dàng. Khi đó, người bị mất thông tin cá nhân sẽ bỗng dưng mang một khoản nợ “từ trên trời rơi xuống”. Sử dụng thông tin cá nhân của một người, kẻ xấu hoàn toàn có thể xâm nhập vào tài khoản ngân hàng, ví điện tử của người đó để lấy cắp tiền hoặc mạo danh người đó để vay mượn, lừa đảo người quen trong danh sách bạn bè của người bị mất thông tin. Việc lộ thông tin cá nhân một cách chủ động và đơn giản như lịch trình hằng ngày cũng khiến chúng ta có thể rơi vào nguy cơ bị trộm ghé thăm khi đi vắng…
Hiện nay, các tổ chức như ngân hàng có hệ thống bảo mật thông tin cá nhân khách hàng khá kỹ lưỡng nên thông tin khó bị đánh cắp. Nếu có lỗ hổng bảo mật thì cũng nhanh chóng được dò tìm để vá lỗi. Thông tin cá nhân của người sử dụng các phần mềm, ứng dụng trên internet phần nhiều do chính họ làm lộ vì “sập bẫy” của kẻ lừa đảo. Các đối tượng này sử dụng nhiều thủ đoạn như tạo trang web giả giống web của ngân hàng và đưa link để người sử dụng kích vào, nhập tài khoản, mật khẩu; giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện đòi mật khẩu OTP… Các thông tin cá nhân khác như hình ảnh gương mặt, chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, hình ảnh và clip cuộc sống hằng ngày… được nhiều người vô tư tự đưa lên mạng xã hội mà không nghĩ rằng có thể bị đánh cắp và lợi dụng vào những mục đích xấu.
Vì vậy, bản thân mỗi người khi sử dụng mạng xã hội, các ứng dụng, phần mềm trên internet đều cần cảnh giác để không bị lộ lọt thông tin cá nhân. Những thủ đoạn đánh cắp thông tin cá nhân đều được cảnh báo trên báo chí, tin nhắn từ các cơ quan chức năng. Nếu mỗi người có ý thức tìm hiểu và phòng tránh thì việc tự bảo vệ thông tin của mình không quá khó khăn. Đây là câu chuyện tuy không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ bởi những thủ đoạn của kẻ xấu luôn thay đổi, cập nhật. Vì thế, chúng ta luôn cần cảnh giác để không tự mình làm mất thông tin cá nhân – của cải vô hình của mỗi người khi tham gia không gian internet.
THÁI HÒA (TP Hải Dương)