Nguyên tắc vàng để hạn chế ngạt khói và khí độc
Xã hội - Ngày đăng : 06:46, 08/09/2022
Hiện trường đám cháy karaoke tại phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương xảy ra vào tối 6.9
Theo các chuyên gia, để kéo dài thời gian trong khi chờ cứu hộ, nạn nhân phải luôn nhớ di chuyển sát sàn nhà, sử dụng vải ướt để che mặt...
Tuyệt đối không hoảng loạn
Là người may mắn sống sót và được cứu, chị Quỳnh (nhân viên quán karaoke) nằm tại khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa An Phú (Bình Dương) vẫn chưa hết hoảng loạn kể lại: "Khi tôi cùng các nhân viên khác trong phòng nhân viên thì ngửi thấy mùi khét, sau đó khói bốc lên mù mịt. Tôi vừa mở cửa thì khói cuồn cuộn vào, nhiều tiếng la hét vang lên. Tôi chạy vào toilet ẩn núp nhưng khói cũng tràn vào nên chạy lên tầng thượng".
Theo chị Quỳnh, lúc chị mở cửa phòng ra chạy lên tầng thượng thì trong cầu thang khói lửa đã bùng lên dữ dội, khó khăn lắm chị mới chạy được lên tầng thượng. "Vừa chạy lên, tôi định nhảy lầu thoát thân, nhưng mọi người ở dưới đất kêu đừng nhảy xuống. May mắn, ít phút sau, các anh lính cứu hỏa đến đưa xe thang lên cứu tôi xuống đất rồi đưa vào bệnh viện", chị Quỳnh nhớ lại.
Trưởng khoa cấp cứu một bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh cho biết khi có hỏa hoạn xảy ra các kỹ năng sinh tồn rất quan trọng, người trong đám cháy tuyệt đối không được la hét, hoảng loạn, cần nhanh chóng tìm đến các khu vực thoát hiểm.
Đám cháy, thường có hai vùng cơ bản là vùng không gian sát trần nhà bao gồm khói và khí độc, vùng không gian phía dưới sát sàn nhà là không khí ít khí độc hơn. Do vậy, khi khí độc bay lên trên, tuyệt đối không vội vã chạy hay di chuyển trong tư thế đứng, sẽ hít rất nhanh các khí độc và rơi vào hôn mê. Để di chuyển an toàn và tránh hít phải khói độc, người dân di chuyển bằng cách bò sát sàn nhà. Trong lúc chờ đợi cũng giữ tư thế trên để hạn chế thấp nhất khí độc vào phổi.
Tiếp theo dùng khăn ướt, hoặc nhúng các áo, quần để che mặt, che đường hô hấp. Có rất nhiều khí độc được sinh ra trong khói của đám cháy như CO, CO2, amoniac, axit hữu cơ... trong đó CO và CO2 là nguyên nhân chính gây tử vong. Sau khi thoát khỏi hiện trường cần nhanh chóng được chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cấp cứu.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - thông thường trong các đám cháy nguyên nhân gây thương vong là khói và khí độc chứ không phải do lửa hay nhiệt, trong đó CO và CO2 là những khí độc dễ gây tử vong.
BS Nguyên phân tích, khí CO và CO2 là hai loại khí độc, đều không mùi, không màu, không vị nhưng hấp thu nhanh trong cơ thể. Khí này ngăn chặn quá trình vận chuyển oxy vào máu, ngăn cản sự chuyển hóa hô hấp của tế bào, đặc biệt các tế bào có chế độ chuyển hóa hô hấp mạnh như não, tim... Trường hợp nặng, người bệnh có thể hôn mê, co giật, tụt huyết áp, tổn thương các cơ quan khác.
Hít phải lượng lớn khí độc có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. 40% số người bị ngạt khí để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người...
Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội), phụ trách phòng cháy chữa cháy - khuyến cáo việc quan trọng nhất là cần trang bị mặt nạ chống khói, bình phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh và hộ gia đình. "Khi xuất hiện đám cháy, nạn nhân cần phải bình tĩnh, tìm lối thoát hiểm, di chuyển đến nơi thoáng khí và gọi lực lượng cứu hộ đến hỗ trợ", ông Sơn cho hay.
"Khi có đám cháy xảy ra, việc hít phải khí độc là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Để phòng tránh thương vong do cháy nổ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ như karaoke hay sự kiện đông người, ngoài bình phòng cháy cần có thêm mặt nạ chống khói.
Việc trang bị mặt nạ chống khói là vô cùng cần thiết nhằm giúp nạn nhân có thể thoát khỏi đám cháy hoặc duy trì thời gian chờ cứu hộ đến trợ giúp. Bên cạnh đó, trước khi khách hàng vào quán hát, nhân viên hướng dẫn cách sử dụng mặt nạ, chỉ dẫn lối thoát hiểm... giống như khi chúng ta được hướng dẫn khi lên máy bay" - ông Nguyễn Trường Sơn.
Lưu ý gì trong đám cháy? Các bác sĩ khuyến cáo, trong đám cháy cần lưu ý: 1 Tuân thủ hướng dẫn của lực lượng cứu nạn, cứu hộ tại chỗ hoặc lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. 2 Nếu trong đám cháy có nhiều người thì cần giữ bình tĩnh, không chen lấn, xô đẩy, hoảng loạn, nên di chuyển theo thang bộ và đường thoát hiểm. 3 Trường hợp bắt buộc phải băng qua khu vực có lửa, khói, cần tìm vải, khăn, áo khoác dày thấm đẫm ướt nước, trùm lên người tránh bị cháy quần áo gây bỏng da trong lúc di chuyển. Dùng khăn ướt che mặt để tránh ngộ độc khí. |
Theo Tuổi trẻ