Chỉ số Phát triển Con người của thế giới hạ về mức năm 2016
Tin tức - Ngày đăng : 15:42, 08/09/2022
Dẫn báo cáo về Chỉ số Phát triển Con người (HDI) mới được công bố, hãng thông tấn Tân Hoa cho biết thế giới đang mắc kẹt trong vòng lẩn quẩn từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, luẩn quẩn trong vòng quay chiến tranh và không thể giải quyết gốc rễ của những rắc rối mà chúng ta phải đối mặt.
Báo cáo chỉ ra nếu không có sự thay đổi đáng kể, thế giới có thể đang hướng tới tình cảnh thiếu thốn và bất công hơn, đồng thời nhấn mạnh các lớp bất ổn đang chồng chất và xáo trộn cuộc sống theo những cách chưa từng có.
Cụ thể, trong hai năm qua, các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19 và xung đột Ukraine đã có tác động nghiêm trọng đối với hàng tỷ người trên thế giới, mang đến những thay đổi kinh tế và xã hội sâu sắc.
Theo tính toán của UNDP, lần đầu tiên sau 32 năm, chỉ số HDI bao gồm chỉ số sức khỏe, giáo dục và mức sống của một quốc gia đã giảm trên toàn cầu trong hai năm liên tiếp. Chỉ số HDI đã giảm trở lại mức năm 2016, đi ngược với tiến độ hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Hơn 90% các quốc gia ghi nhận mức giảm điểm HDI vào năm 2020 hoặc 2021. Trong khi đó, tỷ lệ các nước có chỉ số HDI giảm trong cả 2 năm là hơn 40%, báo hiệu rằng cuộc khủng hoảng vẫn đang tác động sâu hơn đối với nhiều người.
Trong khi một số quốc gia đang bắt đầu khôi phục, sự phục hồi vẫn không đồng đều, làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng trong phát triển con người. Đặc biệt, các khu vực như Mỹ Latinh, Caribe, châu Phi cận Sahara và Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề.
"Thế giới đang nỗ lực ứng phó với các cuộc khủng hoảng liên tiếp. Chúng ta đã chứng kiến các cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt và năng lượng”, Achim Steiner, người đứng đầu UNDP, cho biết.
"Chúng ta bị tê liệt trước những thay đổi này. Trong một thế giới không có gì chắc chắn, chúng ta cần một ý thức đoàn kết toàn cầu mới để giải quyết những thách thức chung, liên kết với nhau”, ông Achim nói.
Báo cáo chỉ ra nỗi bất an và sự phân cực đang bổ trợ cho nhau để ngăn cản thế giới đoàn kết và thực hiện hành động tập thể nhằm giải quyết khủng hoảng ở mọi cấp độ.
Theo Pedro Conceicao – tác giả chính của báo cáo, đổi mới dưới nhiều hình thức cũng có thể bồi đắp năng lực để ứng phó với bất kỳ thách thức nào xảy ra tiếp theo.
“Để điều hướng sự không chắc chắn, chúng ta cần tăng gấp đôi chỉ số phát triển con người và nhìn xa hơn là cải thiện sự giàu có hoặc sức khỏe của con người. Điều quan trọng là chúng ta cũng cần bảo vệ hành tinh và cung cấp cho mọi người những công cụ cần thiết để họ cảm thấy an toàn hơn, lấy lại cảm giác kiểm soát cuộc sống và đặt ra hy vọng cho tương lai", ông Pedro kết luận.
Theo Báo Tin tức