Đau đầu vì cuộc gọi, tin nhắn "rác"

Xã hội - Ngày đăng : 15:00, 09/09/2022

Liên tục bị quấy rối vì những cuộc gọi, tin nhắn từ số lạ với nội dung môi giới bất động sản, dịch vụ nghỉ dưỡng cho đến cảnh báo dính líu pháp luật... người dùng điện thoại đang hằng ngày phải sống chung với vấn nạn tin nhắn, cuộc gọi "rác".

Quảng cáo, lừa đảo, đe dọa

“Xin chào chị, chị có phải tên Hương không ạ?”, một giọng nam gọi cho chị Lê Thị L. ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) sáng 5.9 từ đầu số 086.712.0xxx. Khi chị L. xác nhận mình không phải tên Hương, đầu dây bên kia vẫn đeo bám: “Xin lỗi chị, có thể do hệ thống bên em gửi nhầm thông tin ạ. Em tên là Đức, bên em hiện có chương trình tri ân khách hàng về dịch vụ nghỉ dưỡng”...

Đoạn hội thoại dù kéo dài chưa đầy 1 phút song vẫn khiến chị L. cảm thấy phiền hà. Bởi không riêng cuộc gọi này, tính riêng 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua chị đã phải nghe cả chục cuộc gọi khác tương tự. “Nhiều lúc tôi rất muốn tắt máy khi nhìn thấy số lạ, song vì công việc, hơn nữa có thể đó là số của người thân vừa thay đổi nên đành nghe. Nhưng càng nghe càng cảm thấy khó chịu vì đó toàn là những cuộc gọi quảng cáo”, chị L. chia sẻ.


Lịch sử cuộc gọi đến điện thoại của anh V. (phường Nhị Châu, TP Hải Dương) mấy ngày qua toàn là “rác” 

Anh Huy V. ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) lại lâm vào tình cảnh trớ trêu hơn. Khoảng đầu tháng 6., anh V. bất ngờ nhận được cuộc gọi giả danh công an thông báo anh liên quan đến một vụ án trong Đà Nẵng. Số điện thoại lạ, người gọi tới tự xưng là cảnh sát giao thông, thông báo anh V. đi ô tô trong Đà Nẵng gây tai nạn. Điều đáng nói, khi số này hỏi họ tên, anh V. đã nói ra một cái tên khác, số chứng minh nhân dân khác, vậy mà đầu dây kia vẫn tra được thông tin. Ngoài ra, khi anh V. khẳng định không vào Đà Nẵng thì người tự xưng công an cho rằng có thể có người sử dụng giấy tờ tùy thân của anh V. để thuê xe, đồng thời yêu cầu anh V. phải bay vào Đà Nẵng để xử lý hoặc chuyển tiền nộp phạt trước.

Không những thế, khoảng 4 tháng nay, anh V. còn bị làm phiền bởi nhiều cuộc gọi từ nhiều số điện thoại khác nhau về cùng một nội dung, liên quan đến chuyện vay tiền của một người mà anh V. chưa từng quen biết. “Những ngày đầu tôi còn chặn số điện thoại, nhưng do họ dùng quá nhiều số khác nhau, có chặn cũng không hết nên đành chấp nhận. Giờ đây cứ số lạ gọi đến là tôi không nghe máy”, anh V. than thở.

Thời gian qua, rất nhiều người dân đã phản ánh việc bị quấy rầy vì các cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo, môi giới đất cát, chứng khoán, cho vay tiền… Có nhiều trường hợp thậm chí còn nhận được tin nhắn đe dọa đòi tiền mặc dù chẳng vay nợ ai.

Quản lý lỏng lẻo

Còn mua bán SIM dễ dãi thì còn nạn SIM "rác". Đây là nhận định chung của rất nhiều người dân. Thực tế ngay tại TP Hải Dương, không khó để tìm một điểm bán SIM kích hoạt sẵn. Không chỉ các cửa hàng bày bán trực tiếp, hoạt động kinh doanh SIM trên các trang mạng, nhất là mạng xã hội Facebook tương đối nhộn nhịp. Người mua chỉ cần bỏ ra từ 100.000 đồng là có được một chiếc SIM điện thoại di động trả trước đã kích hoạt sẵn, mà không cần cung cấp thông tin gì.


Mua bán công khai SIM không chính chủ là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn tin nhắn, cuộc gọi "rác". Trong ảnh: Điểm bán SIM trên đường Vũ Hựu (TP Hải Dương).


Mua SIM để sử dụng mà không cần đăng ký thông tin chính chủ là nguyên nhân của vấn nạn cuộc gọi, tin nhắn "rác". Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Hải Dương cho biết: “Cuộc gọi rác, tin nhắn rác không những gây bức xúc đối với người dùng mà còn tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo. Nguyên nhân sâu xa từ thuê bao "rác" đó là những thuê bao không chính chủ, không đầy đủ thông tin hoặc thông tin thuê bao ảo. Những SIM không chính chủ này được cung cấp ra ngoài thị trường không đúng quy định”.

Theo quy định từ Nghị định 49/2017/NĐ-CP ngày 24.4.2017 của Chính phủ, người sử dụng SIM phải đăng ký thông tin chính chủ. Điểm bán SIM phải chịu trách nhiệm nếu để người dùng sử dụng SIM không chính chủ. Tuy nhiên, thực tế thị trường hiện có 3 kênh kinh doanh SIM. Kênh thứ nhất là kinh doanh chính thống gồm các điểm kinh doanh trực tiếp của nhà mạng, tổng đại lý, đại lý được nhà mạng ủy quyền. Các nhà mạng chịu trách nhiệm nếu những nơi này bán SIM không chính chủ. Hai kênh còn lại là điểm bán trực tiếp không được ủy quyền và bán trên mạng. Việc quản lý 2 kênh này tương đối khó khăn nếu không muốn nói là bị bỏ lọt.

Ngoài ra, thông tin người dân vì nhiều lý do khác nhau bị rò rỉ, rơi vào tay những cá nhân, tổ chức với mục đích gọi điện quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Đây cũng là nguyên nhân khiến một người dân bất kỳ trở thành đối tượng phải nhận nhiều cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn.

Thiết nghĩ, các nhà mạng cần tăng cường kiểm soát chặt các SIM kích hoạt sẵn có dấu hiệu tồn kênh (SIM đã được kích hoạt nhưng chưa sử dụng và có khả năng bị sử dụng vào mục đích xấu). Cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, xử phạt nghiêm những điểm bán SIM không đúng quy định. Người dân cần nâng cao ý thức, tránh lộ, lọt thông tin cá nhân trên các nền tảng điện tử. Nếu không xóa sổ SIM "rác" thì người dân khó có thể thoát khỏi bị làm phiền bởi cuộc gọi "rác", tin nhắn "rác".

HÀ KIÊN