Thủ tướng Chính phủ phê bình nhiều Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống cháy nổ
Chính trị - Ngày đăng : 13:24, 12/09/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu Chính phủ tới tất cả cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước.
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hải Dương.
Tại sao cháy hay xảy ra ở quán karaoke mà không rút kinh nghiệm?
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ thời gian qua, song cũng thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập trong công tác này.
“Tôi trăn trở tại sao cháy hay xảy ra ở quán karaoke, ở TP Hà Nội thường xảy ra ở quận Cầu Giấy mà không có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi, không thấy rút ra kinh nghiệm?”, Thủ tướng Chính phủ nêu câu hỏi.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định ý thức trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo PCCC ở một số nơi chưa tốt, nhất là người đứng đầu, còn tình trạng cơ quan, đơn vị, người dân chủ quan, lơ là. Chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ mạnh, chưa nghiêm, dẫn tới chây ì, kéo dài, không khắc phục vi phạm. Công tác kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân chưa nghiêm. Văn bản quy phạm pháp luật còn chưa hoàn thiện, đồng bộ, chưa có Luật PCCC. Đầu tư cơ sở vật chất cho PCCC, cứu nạn cứu hộ còn khiêm tốn. Các lực lượng chức năng chưa phối hợp chặt chẽ. Hạ tầng PCCC chưa đúng tầm. Trong công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa coi trọng công tác PCCC. Nhiều quán karaoke không bảo đảm điều kiện PCCC...
Thủ tướng Chính phủ nói “rất buồn” vì sau 5 năm thực hiện Nghị định số 83 chỉ có 3 Bộ (Công an, Giao thông vận tải, Tư pháp) và 40 tỉnh, thành phố có kế hoạch thực hiện nghị định. Phần lớn các bộ, ngành và nhiều địa phương chưa ban hành kế hoạch thực hiện. Điều đó chứng tỏ nhiều người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương còn xem nhẹ công tác này. Có tình trạng thiếu quan tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, còn phó mặc cho lực lượng chuyên trách.
“Thay mặt Chính phủ, tôi phê bình nhiều đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định trách nhiệm; kiên quyết chấn chỉnh ngay lập tức công tác lãnh đạo, chỉ đạo PCCC và cứu nạn cứu hộ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Những vụ cháy nghiêm trọng là cảnh báo khẩn cấp
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hải Dương
Thủ tướng nêu rõ những vụ cháy nổ nghiêm trọng, thương tâm là cảnh báo khẩn cấp, đặt ra yêu cầu mới trong PCCC, cứu nạn, cứu hộ; đòi hỏi cần có sự thay đổi nhận thức, tư duy, cách làm, công tác quản lý nhà nước… Trong thời gian tới, dự báo tình hình cháy nổ sẽ khó lường, phức tạp hơn, nhất là ở đô thị, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở tập trung đông người, khu công nghiệp...
Do đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người dân trong công tác PCCC, cứu nạn cứu hộ. Người dân phải là trung tâm, chủ thể trong phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ. Đặt sự an toàn, tính mạng của người dân trên hết, trước hết. An toàn cháy nổ góp phần vào ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt hậu quả nghiêm trọng, chết người do nguyên nhân chủ quan. Nâng cao ý thức, kỹ năng của người dân trong PCCC, cứu nạn, cứu hộ. Tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong PCCC, cứu nạn, cứu hộ. Các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị định số 83 thì phải thực hiện ngay. Tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác này. Nghiên cứu xây dựng Luật PCCC. Rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy trình cho phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra những nơi xảy ra nhiều vụ cháy nổ, làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Bộ Công an tiến hành tổng kiểm tra, rà soát trong toàn quốc về PCCC, nhất là các cơ sở tập trung đông người, nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao; xử phạt nghiêm minh, bắt buộc khắc phục các cơ sở có vi phạm, hạn chế. Thực hiện kiểm tra, thanh tra nghiêm ngặt, nghiêm minh, chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác này.
Kiện toàn, củng cố các lực lượng PCCC, cứu nạn, cứu hộ tại chỗ. Tăng cường tập huấn các phương án cháy nổ; xây dựng kế hoạch hiệp đồng giữa các lực lượng. Quan tâm bố trí kinh phí đầu tư, cơ sở vật chất cho lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng PCCC. Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động hợp tác công tư… để tạo nguồn lực. Xây dựng, kiện toàn lực PCCC, cứu nạn, cứu hộ cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại, tinh thông, tinh nhuệ… Bố trí lực lượng PCCC ở các địa bàn trọng điểm, bám sát người dân. Sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng quy hoạch PCCC giai đoạn 2021-2030. Khẩn trương nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghệ chữa cháy tự động vào PCCC. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng PCCC, cứu nạn, cứu hộ để nâng cao ý thức của người dân trong tự bảo vệ chính mình, gia đình mình và xã hội. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong giai đoạn 2017-2021, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy và 149 vụ nổ, làm chết 497 người, 842 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính hơn 7.044 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, 52 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 532 tỷ đồng.
Tại hội nghị, nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã phát biểu tham luận làm rõ thực trạng, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
NINH TUÂN