Xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:00, 14/09/2022
TP Hải Dương là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản cán bộ, công chức. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Dương đang tổ chức xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức ở 5 cơ quan (Phòng Nội vụ thành phố, Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản, Phòng Quản lý đô thị) và 3 Đảng ủy (phường Việt Hòa, xã Tiền Tiến, xã Quyết Thắng). Trước đó, Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy đã mời đại diện Uỷ ban MTTQ thành phố dự và thực hiện việc bốc thăm người có nghĩa vụ kê khai tài sản để xác minh. Qua bốc thăm ngẫu nhiên đã lựa chọn được 8 trong tổng số 32 cán bộ, công chức (bảo đảm tối thiểu 10%) thuộc diện có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập ở các đơn vị trên để xác minh.
Việc bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ là hoạt động thực hiện theo Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây được đánh giá là biện pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Việc xác minh sẽ xem xét, đánh giá, kết luận về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai cũng như việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức. Và việc bốc thăm ngẫu nhiên sẽ bảo đảm tính khách quan, công khai, công bằng đối với người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập...
Tuy nhiên, để việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thực sự phát huy tác dụng, tránh hình thức thì cần có thêm những biện pháp đồng bộ, toàn diện. Với tỷ lệ người được xác minh tại mỗi đơn vị theo quy định tối thiểu là 10% tổng số cán bộ thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hằng năm của đơn vị đó, các cấp ủy, chính quyền cần đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, thậm chí quy định rõ số lượng cán bộ lãnh đạo cần xác minh tài sản, thu nhập. Bởi thực tế từ các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực cho thấy sai phạm thường xảy ra từ những cán bộ nắm vị trí lãnh đạo, chỉ đạo trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bên cạnh đó, khi định hướng chọn lựa các cơ quan, đơn vị để triển khai xác minh cũng cần tập trung vào những lĩnh vực, những nơi và những đơn vị liên quan đến những vấn đề, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực… Cùng với bốc thăm ngẫu nhiên để thực hiện theo kế hoạch thì việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cần trở thành công việc thường xuyên, là một giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bên cạnh việc xác minh theo bản tự kê khai của người có nghĩa vụ thì việc nắm bắt tình hình, thông tin về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cần thông qua nhiều kênh khác nhau như đơn thư, phản ánh, dư luận của đảng viên, nhân dân… để thực hiện xác minh. Đặc biệt, đối với những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà có đơn thư, phản ánh, dư luận về tham nhũng, tiêu cực thì cần thực hiện xác minh đột xuất để kịp thời phát hiện, phòng ngừa vi phạm.
Đợt xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức ở TP Hải Dương dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9 này. Với sự tiên phong của TP Hải Dương, hy vọng các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh sẽ có những bài học kinh nghiệm, hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đáp ứng kỳ vọng của đảng viên và nhân dân.
HOÀNG LONG