Bài thuốc từ khoai sọ giảm đau nhức, sưng tấy khớp

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:41, 15/09/2022

Khoai sọ là một loại thức ăn dân dã, phổ biến, song tác dụng làm thuốc của khoai sọ đã được ghi lại trong các sách thuốc cổ từ lâu đời.

1.Đặc điểm và công dụng của khoai sọ

Khoai sọ là loại cây thân thảo, cao khoảng từ 0,5m-2m, có thân ngầm phình to phát triển thành củ, rễ chùm mọc từ đốt xung quanh thân.

Khoai sọ gồm có củ cái nhỏ và nhiều củ con. Củ khoai sọ ngắn và ruột có màu trắng, nằm trong đất, bề ngoài sần sùi, trên thân củ có nhiều đốt và ở mỗi đốt có mầm phát triển thành nhánh. Mỗi củ có 3 phần: Phần vỏ ngoài, vỏ áo và lõi củ.

Khoai sọ chữa thũng độc sưng đau, viêm khớp

Theo Đông y: Tất cả các bộ phận của cây khoai sọ, đều có thể sử dụng làm thuốc.

Củ khoai sọ có tính bình, vị cay ngọt, lợi về kinh tỳ, vị và đại tràng; có tác dụng tán khối kết, tiêu u hạch ở cổ, khai vị, nhuận tràng, thông đại tiện; thường dùng chữa các loại thũng độc sưng đau, khối kết (u, hạch), bỏng lửa, viêm khớp, viêm thận, sưng hạch bạch huyết…

Lá khoai sọ có vị cay, tính mát; có tác dụng cầm tiêu chảy, tiêu thũng độc; có thể sử dụng chữa tiết tả, tự hãn (vã mồ hôi khi hoạt động) hay đạo hãn (ra mồ hôi trộm khi ngủ), ung nhọt…

Cuống lá - dọc khoai sọ có vị cay, tính mát; tác dụng lợi thủy, điều hòa chức năng tiêu hóa, tiêu thũng; hỗ trợ điều trị tiêu chảy, kiết lỵ, thũng độc...

Hoa khoai sọ có vị the, tính bình, có độc; chủ trị chữa vị quản thống (đau dạ dày), thổ huyết, sa tử cung, trĩ sang (trĩ lở loét), thoát giang (sa trực tràng)...

2.Bài thuốc từ khoai sọ chữa đau nhức xương khớp

Cách dùng: Khoai sọ gọt vỏ thái miếng nhỏ, gừng giã nát lọc lấy nước. Cho khoai sọ vào nước gừng xay thành bột nhuyễn. Dùng một miếng gạc, phết bột thuốc lên dầy chừng 2-3 cm, đắp vào nơi tổn thương. Dùng băng cố định lại. Ngày thay thuốc 2 lần. (Theo Thực vật dược dụng chỉ nam).

Bột thuốc gừng tươi, khoai sọ giảm đau khớp

3 Lưu ý khi sử dụng khoai sọ

- Thuốc bột khoai sọ nước gừng làm xong, dùng ngay trong ngày.

- Khoai sọ, dùng củ con, có tác dụng mạnh hơn củ cái.

- Đối với người dễ bị dị ứng khoai sọ, trước khi gọt vỏ, không dùng nước rửa khoai sọ, chỉ dùng khăn hoặc giấy lau sạch đất cát. Trường hợp bị dị ứng viêm tấy, thì giã gừng sống, lọc lấy nước bôi, rửa .

- Tỷ lệ khoai sọ/gừng có thể thay đổi, tùy theo thời tiết và cơ địa từng người. Cụ thể, người tạng nhiệt, đau nhức do nhiệt thì tăng thêm khoai sọ, giảm bớt gừng, có thể dùng 3 phần khoai sọ, 1 phần gừng. Người tạng hàn, đau do lạnh, thì có thể dùng 1 phần khoai sọ 2 phần gừng.

Theo Sức khỏe và Đời sống