Doanh nghiệp chậm khắc phục vi phạm môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 10:34, 15/09/2022
Nhiều doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Ba Hàng chậm chấp hành quyết định xử phạt vi phạm môi trường của tỉnh
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bị cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, xử phạt do các vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
Chây ỳ
Từ năm 2020 đến nay, báo Hải Dương đã có nhiều tin, bài phản ánh về việc ô nhiễm môi trường do hoạt động bến bãi của Công ty TNHH Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam tại khu vực xã Kim Liên (Kim Thành). Công ty này được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy đóng tàu, cảng thủy nội địa và kho bãi với mục tiêu xây dựng cơ sở đóng tàu, cảng thủy nội địa phục vụ đóng tàu và kinh doanh kho bãi từ tháng 3.2019. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại cho một số đơn vị khác thuê mặt bằng để kinh doanh than. Tháng 3.2020, công ty bị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xử phạt vi phạm hành chính 350 triệu đồng do chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải có biện pháp quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, giảm thiểu tiếng ồn và xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn. Do chưa thực hiện nghiêm nên tháng 2.2022, công ty này tiếp tục bị tỉnh xử phạt 320 triệu đồng về 3 hành vi vi phạm, trong đó có 2 vi phạm về môi trường là vận hành dự án không có giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT và không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
Bãi tập kết than của doanh nghiệp này cách thôn Lương Xá Bắc, xã Kim Liên khoảng 300 m. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, mặc dù đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay công ty này vẫn chưa khắc phục triệt để, người dân vẫn tiếp tục có ý kiến.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Công ty TNHH Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam không nghiêm túc chấp hành quy định xử phạt, đến nay công ty mới nộp được khoảng 100 triệu đồng trong tổng số 670 triệu đồng bị xử phạt.
Tháng 4.2022, Công ty TNHH Trường Phát HD bị UBND tỉnh xử phạt 300 triệu đồng và Công ty CP Đầu tư quốc tế Limico-HD bị xử phạt 350 triệu đồng do có dự án hoạt động trong cụm công nghiệp (CCN) Ba Hàng (TP Hải Dương) nhưng đều không có báo cáo ĐTM được duyệt. Đầu tháng 9 vừa qua, Sở TNMT đã phải đôn đốc lần 2 đối với 2 công ty trên do chưa nộp tiền xử phạt theo quy định.
Cũng tại CCN Ba Hàng, tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan đến hoạt động của một số doanh nghiệp khiến người dân bức xúc, nhiều lần phản ánh tới các cấp chính quyền. Trong năm 2021, Sở TNMT đã phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT tại 20 cơ sở đang hoạt động sản xuất trong CCN này. Qua kiểm tra đã chỉ ra 16 cơ sở vi phạm và chỉ rõ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại CCN Ba Hàng chưa hoàn thiện, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Theo giấy chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Thành Đạt phải hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, trong đó có trạm xử lý nước thải tập trung xong trong tháng 10.2010, sau đó đã được tỉnh gia hạn tiến độ đến trước ngày 31.3.2021. Cơ quan chức năng của tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Thành Đạt sớm hoàn thiện việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung của CCN này vì đây là giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng ô nhiễm nước thải tại CCN. Dù vậy, theo Phòng TNMT TP Hải Dương, hiện nay, chủ đầu tư hạ tầng CCN Ba Hàng vẫn chưa xây dựng trạm xử lý nước thải của CCN.
Xe ra vào bến bãi của Công ty TNHH Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam ở xã Kim Liên (Kim Thành) làm phát sinh bụi và tiếng ồn khiến người dân bức xúc
Thanh tra, kiểm tra
Theo ông Vũ Mạnh Tưởng, Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TNMT), vi phạm của doanh nghiệp trong lĩnh vực BVMT chủ yếu tập trung vào các hành vi: không báo cáo công tác BVMT theo quy định; xả nước thải, khí thải vào môi trường vượt quy chuẩn cho phép; không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; quản lý, xử lý chất thải nguy hại không đúng quy định; không có báo cáo ĐTM được duyệt... Việc khắc phục các vi phạm của một số doanh nghiệp còn chậm do nhiều nguyên nhân. Doanh nghiệp chưa có ý thức chấp hành pháp luật về BVMT. Một số trường hợp đơn vị cho thuê nhà xưởng chưa hoàn thiện các thủ tục về BVMT và các thủ tục khác theo quy định dẫn tới các doanh nghiệp thuê nhà xưởng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục về môi trường.
Bên cạnh đó, Luật BVMT mới có hiệu lực từ đầu năm 2022 có một số thay đổi, trong khi hướng dẫn thực hiện chưa ban hành kịp thời, đồng bộ dẫn đến việc doanh nghiệp thực hiện còn lúng túng, mất nhiều thời gian... "Chi cục BVMT sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu cho lãnh đạo Sở TNMT có văn bản đôn đốc các doanh nghiệp còn hạn chế trong lĩnh vực môi trường và báo cáo kết quả thực hiện. Đồng thời sẽ tiếp tục kiến nghị đưa vào thanh tra, kiểm tra hằng năm đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, khắc phục vi phạm không triệt để", ông Tưởng cho biết.
PV