Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc hấp dẫn du khách
Phong tục - Lễ hội - Ngày đăng : 08:00, 16/09/2022
Quang cảnh Lễ cầu an - Lễ hội hoa đăng trong chương trình Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc
Ngày 15.9 (tức ngày 20.8 âm lịch), Lễ rước bộ, Lễ tế và Lễ giỗ Đức Thánh Trần trong khuôn khổ Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2022 đã kết thúc tại khu di tích Kiếp Bạc. Đây là những nghi lễ cuối cùng, đánh dấu một kỳ lễ hội rất thành công, được đông đảo du khách đánh giá cao.
Trang nghiêm và hoành tráng
Trong 2 năm 2020 và 2021, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, quy mô của lễ hội được tổ chức rút gọn, phù hợp với tình hình thực tế. Năm nay, lễ hội diễn ra với quy mô, tầm vóc vốn có, với các nghi lễ chính đã được chuẩn hóa như: Lễ tưởng niệm và khai hội, Lễ khai ấn và ban ấn, Lễ cầu an-hội hoa đăng, Lễ giỗ Đức Thánh Trần; các nghi lễ, trò chơi dân gian đặc sắc như: diễn xướng hầu Thánh, múa rối nước. Đặc biệt là Tuần Văn hóa- Du lịch hội thu Côn Sơn-Kiếp Bạc lần đầu tiên được tổ chức để quảng bá các sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc trưng của Hải Dương đến đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Ngày 5.9, Lễ dâng hương và Lễ cáo yết đã được tổ chức trang trọng tại đền Kiếp Bạc. Đây là nghi thức đầu tiên, được hiểu là xin phép mở hội mùa thu. Sau đó là hàng loạt các hoạt động trong khuôn khổ cũng như bên lề lễ hội.
Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc diễn ra trên không gian rộng và có nhiều nội dung phong phú
Thật hiếm khu di tích nào như Côn Sơn-Kiếp Bạc, song hành cả "văn" và "võ" khi gắn bó mật thiết với thân thế, sự nghiệp, uy danh của 2 vị Anh hùng dân tộc: Trần Hưng Đạo (võ) và Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (văn). Lễ dâng hương tưởng niệm 580 năm ngày mất Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi được trang trọng tổ chức tại khu di tích Côn Sơn. Trong suốt buổi lễ, du khách thập phương đều bày tỏ niềm xúc động khi được nhìn lại cuộc đời của ông qua hoạt cảnh chèo "Về động Thanh Hư". Đây cũng là ngày 2 khu di tích đón lượng khách kỷ lục, lên tới 5,5 vạn người...
Không chỉ được tham dự các nghi thức truyền thống, sự lệ riêng có, khác biệt của Côn Sơn- Kiếp Bạc, du khách khắp nơi tìm về còn được tận mắt chứng kiến màn hội quân hoành tráng, tái hiện Hào khí Đông A sôi sục hơn 700 năm về trước, khi Trần Hưng Đạo bằng đức-trí-dũng của mình đã tập hợp được một đạo quân tàu thuyền đông đảo từ các địa phương tìm về xung trận.
Vốn là một sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, rất yêu các sự lệ truyền thống, chị Đinh Thị Thùy Trang (Hà Nội) cho biết đã được nghe về lễ hội quân, nhưng đây là lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến. "Hoành tráng và rất xúc động. Tôi rất tiếc chưa cho các con về Kiếp Bạc mùa này, để các cháu hiểu thêm về lịch sử hào hùng của cha ông. Tôi cực kỳ ấn tượng khi các đoàn thuyền đi qua lễ đài trong tiếng quân reo, chiêng trống thúc giục quân và dân nhà Trần lao ra trận", chị Thùy Trang nói.
Một kỳ lễ hội thành công
Hàng vạn du khách thập phương tìm về với Côn Sơn-Kiếp Bạc dự Lễ hội mùa thu
Để có thành công của một sự kiện thì công tác tổ chức là yếu tố quan trọng nhất. Ngoài ra, tại Lễ hội mùa thu năm nay, lượng khách đông đảo đến với Côn Sơn- Kiếp Bạc cũng cho thấy sức hút, sự lan tỏa của lễ hội ngày càng lớn.
Theo Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, trong dịp lễ có khoảng 600.000 lượt du khách đã về đây, đông hơn cả những lễ hội trước khi có dịch Covid-19. Còn theo khảo sát của phóng viên, rất nhiều người lần đầu tiên đến với Côn Sơn-Kiếp Bạc, cho thấy danh tiếng của khu di tích quốc gia đặc biệt ngày càng vang xa. Đặc biệt, du khách không chỉ gói gọn ở một số địa phương lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang... như trước đây, mà còn có những nhóm du khách từ xa đến như Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Thanh Hóa...
Một điều dễ nhận thấy tại khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn- Kiếp Bạc trong những năm gần đây là du khách tìm về không chỉ được dự những nghi thức trang nghiêm, sự lệ riêng có mà còn được đắm mình vào không gian xanh mát của cỏ cây, hoa lá. Cảnh quan của khu di tích Côn Sơn và Kiếp Bạc ngày càng trở nên đẹp đẽ, mang dáng dấp của một khu công viên rộng lớn. Du khách không chỉ được tìm hiểu về lịch sử, mà còn được nghỉ ngơi, thưởng thức các đặc sản địa phương, được du lịch đúng nghĩa.
Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành một khu du lịch tâm linh - sinh thái hấp dẫn
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc cho biết tại lễ hội năm nay, công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo. Ban Tổ chức gồm lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã vào cuộc tích cực, phối hợp nhịp nhàng để tổ chức các nghi lễ, các trò chơi dân gian. Ngày 16.8 âm lịch đã có hơn 3 vạn du khách đến khu di tích, đêm 18.8 có hơn 1 vạn khách nhưng đã không xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ, an ninh trật tự được bảo đảm. Hình ảnh, trách nhiệm của lực lượng phục vụ cũng để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách thập phương.
Để lan tỏa hình ảnh, giá trị và vị thế của khu di tích quốc gia đặc biệt, công tác tuyên truyền về tổ chức lễ hội đi trước 1 bước, đa dạng các loại hình tuyên truyền; lịch trình tổ chức các nghi lễ và trò diễn được các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường quảng bá, giới thiệu... Nhiều tờ báo ở miền Nam xa xôi cũng đưa tin, bài về lễ hội. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh được tăng cường, đặc biệt là việc ngăn ngừa các hiện tượng mê tín dị đoan, xem bói, xóc thẻ, cờ bạc, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch. Điều này là nhận xét chung của nhân dân và nhiều du khách thập phương khi được hỏi về lễ hội năm nay. Tuy nhiên, do lượng khách đến quá đông nên có một số thời điểm xảy ra ách tắc trên đường vào, ra và ở khu vực bãi xe.
Về với Côn Sơn, du khách được đắm mình vào không gian xanh mát như một công viên cây xanh rộng lớn
Một kỳ lễ hội mùa thu đã khép lại với những ấn tượng tốt đẹp. Hình ảnh, thông tin, danh thế của lễ hội tràn ngập trên các mặt báo và các trang mạng xã hội. Giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc, vị thế lễ hội ngày càng bay cao, lan xa trong hành trình trở thành di sản thế giới.
TIẾN HUY - THÀNH CHUNG