Nhận diện tội phạm ma túy trong thời 4.0
Pháp luật - Ngày đăng : 14:32, 18/09/2022
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Công nghiệp 4.0) đã mang lại những thành tựu to lớn, có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhưng cùng với đó, tội phạm ma túy đã lợi dụng thành tựu của khoa học, công nghệ (KHCN) để thực hiện các hành vi phạm tội.
Qua thực tiễn công tác đấu tranh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Cục C04) và các lực lượng chuyên trách đã phát hiện rất nhiều thủ đoạn mới của tội phạm ma túy. Có thể thấy trong việc sản xuất trái phép chất ma túy, chúng triệt để lợi dụng thành tựu KHCN về hóa dược để sửa đổi cấu trúc phân tử các chất bất hợp pháp, điều chế ra các loại ma túy tổng hợp có độ độc hại, gây kích thích và ảo giác cựu mạnh.
Thậm chí nhiều chất ma túy mới chưa được quy định trong Công ước về chống buôn bán các chất ma túy và hướng thần của Liên Hợp Quốc và các danh mục chất ma túy và tiền chất của Chính phủ Việt Nam.
Hồ sơ từ Bộ Công an cho thấy, tội phạm ma túy ngày càng tinh vi trong việc triệt để lợi dụng sự phát triển của Internet, mạng xã hội và các ứng dụng OTT (Facebook, Youtube, WhatsApp, Instagram, TikTok, Zalo, Viber, Messenger, Wechat…) để liên lạc, mua bán, trao đổi ma túy gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra của cơ quan chức năng.
Thậm chí, các trang thương mại điện tử cũng bị tội phạm ma túy lợi dụng như một kênh thông tin hiện đại để giao dịch ma túy; chúng lập ra các “nhóm kín” trên các trang mạng để hướng dẫn, trao đổi cách thức điều chế, sản xuất và mua bán trái phép chất ma túy giữa các thành viên; lợi dụng sự phát triển của KHCN để phạm tội khi gửi, nhận hàng hóa thông qua các công ty dịch vụ vận chuyển (có thể gửi hàng tự động với hệ thống máy tính không cần đến nhân viên) hoặc qua dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ đang phát triển rất mạnh tại các thành phố, đô thị lớn.
Đáng chú ý, thông qua mạng Internet, các đối tượng có thể giám sát hành trình vận chuyển của lô hàng do các bưu kiện khi gửi được đại lý chuyển phát nhanh cấp 1 tài khoản để theo dõi. Nếu lô hàng không thông quan đúng thời gian, các đối tượng nghi ngờ lập tức bỏ hàng, cắt liên lạc khiến công tác điều tra, bắt giữ đối tượng đi vào “ngõ cụt” hoặc thu giữ hàng vô chủ.
Điển hình như vụ ngày 8.1.2021, tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì, phối hợp các đơn vị nghiệp vụ và Công an tỉnh Bắc Ninh triệt phá thành công đường dây mua bán trái phép chất ma túy và sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản; bắt 6 đối tượng (3 đối tượng người Trung Quốc, 3 đối tượng người Việt Nam); thu giữ 150 bánh nghi là heroin; 37 máy POS của các ngân hàng (MB, ACB, Vietinbank, OCB, BIDV, Saigonbank, SHB, TPBank...), 4 máy làm giả thẻ ngân hàng, 19 thẻ ngân hàng các loại, khoảng 1.200 hóa đơn giao dịch chuyển khoản, 5.000 USD và nhiều vật chứng khác có liên quan.
Hay như vụ án ngày 18.11.2021 do Cục C04 phối hợp với Công an Nghệ An triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam. Đường dây này do đối tượng Trần Thị Mậu (53 tuổi) và Nguyễn Đức Sỹ (56 tuổi), cùng trú tại huyện Đô Lương, Nghệ An cầm đầu với thủ đoạn sử dụng mạng xã hội để điều hành từ xa. Cơ quan Công an đã bắt giữ 9 đối tượng; thu giữ 64 kg ma túy tổng hợp, 20 bánh heroin cùng nhiều vật chứng có liên quan.
Mới đây, liên quan đến vụ phát hiện cô gái tử vong trong căn hộ chung cư tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, cơ quan Công an đã bước đầu làm rõ đối tượng gây ra cái chết cho nạn nhân là Nguyễn Hà Phúc (sinh năm 1987, trú phường Hàng Bột, quận Đống Đa) có hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy; thu giữ tại căn hộ 5kg chất bột, chất tinh chế, viên nén. Đối tượng khai nhận cất giấu số ma túy trên tại căn hộ để bán qua ứng dụng Telegram (là ứng dụng tin nhắn miễn phí trên mạng internet có tính bảo mật cao với khả năng kết nối lên tới 200 nghìn người).
Trước diễn biến phức tạp trong đấu tranh với tội phạm này, Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16.8.2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp về “đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới”.
Tại Công văn số 5370/VPCP- KGVX ngày 17/5/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công an tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các dự án trong Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có nội dung về xây dựng hệ thống phòng ngừa nghiệp vụ phục vụ kiểm soát, ngăn chặn ma túy; trang bị phương tiện, thiết bị nghiệp vụ đặc thù, chuyên dùng, thiết bị phân tích chuyên sâu để truy nguyên ngồn gốc và phát hiện các chất ma túy mới cho lực Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và lực lượng Kỹ thuật hình sự.
Để triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã ký Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025 với Bộ Khoa học và Công nghệ; ban hành Chương trình nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong phòng, chống tội phạm ma túy nhằm tăng cường tiềm lực khoa học, đầu tư mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu quả công tác này trong giai đoạn 2021 - 2025.
Hiện nay, Cục C04 đang tích cực phối hợp với Viện khoa học và công nghệ, Bộ Công an tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong chế tạo, sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ; phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng nghiệp vụ chuyên trách trong việc nhận thức, nắm bắt xu thế phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhất là các thiết bị kỹ thuật hiện đại sử dụng trong thông tin liên lạc, phát hiện, thu thập các loại chứng cứ điện tử, nguồn thông tin tội phạm ma túy, trang thiết bị tiên tiến để giám định, phát hiện các chất ma túy mới. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế với lực lượng phòng, chống ma túy các nước phát triển, các tổ chức quốc tế để tranh thủ kinh nghiệm, trình độ khoa học kỹ thuật phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm ma túy.
Theo Báo Tin tức