Điểm chuẩn sư phạm tăng mạnh
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:39, 20/09/2022
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Nhiều ý kiến cho rằng do chỉ tiêu từ điểm thi tốt nghiệp THPT ít nên điểm chuẩn cao - Ảnh: DUYÊN PHÂN
Đại diện nhiều trường cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT, chính sách hỗ trợ tài chính của Nhà nước với sinh viên ngành sư phạm, cách thức đăng ký xét tuyển năm nay là những yếu tố chính đẩy điểm chuẩn sư phạm lên cao.
Tăng cao nhất 9,5 điểm
Nếu những năm trước điểm chuẩn sư phạm ở các trường đa ngành thường ở mức thấp thì năm nay tăng rất mạnh.
Cụ thể, năm 2021 ngành luật Trường Đại học (ĐH) An Giang có điểm chuẩn cao nhất trường là 23,5. Phần lớn các ngành sư phạm có điểm chuẩn 19, 20. Thế nhưng, năm 2022 các ngành sư phạm đã vươn lên đứng nhất trường với phần lớn các ngành có điểm chuẩn trên 24. Trong đó, ngành sư phạm toán có điểm chuẩn 27, cao nhất trường.
Trong số mười ngành giáo dục, sư phạm của Trường ĐH An Giang chỉ có ngành giáo dục tiểu học có điểm chuẩn bằng năm trước, chín ngành còn lại đều có điểm chuẩn tăng. Trong đó sư phạm toán, vật lý, hóa học, địa lý tăng từ 5 đến 5,7 điểm. Ngành có điểm chuẩn tăng mạnh nhất là sư phạm lịch sử - tăng 6,51 điểm.
Sự "ngược chiều" điểm chuẩn sư phạm có thể nhìn thấy rõ nhất ở Trường ĐH Cần Thơ. Nếu như năm 2021 các ngành "hot" khối kinh tế có điểm chuẩn cao nhất trường thì năm nay điểm chuẩn các ngành này giảm từ 1 đến 2,5 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn nhiều ngành sư phạm đều tăng từ 0,5 đến 2 điểm, riêng ngành sư phạm lịch sử có điểm chuẩn cao nhất trường.
Tương tự, hầu hết các ngành tại Trường ĐH Sài Gòn đều có điểm chuẩn giảm so với năm 2021 từ 0,5 đến 2 điểm nhưng phần lớn ngành sư phạm điểm chuẩn lại tăng ở mức tương ứng. Không chỉ các ngành tuyển văn - sử - địa mà các ngành sư phạm khối tự nhiên điểm chuẩn cũng tăng.
Ở nhiều trường đại học đa ngành khác, điểm chuẩn sư phạm thậm chí còn "đại nhảy vọt" so với năm trước. Chẳng hạn tại Trường ĐH Quy Nhơn, nhiều ngành sư phạm có điểm chuẩn 28,5 trong khi năm trước chỉ ở mức từ 19 đến 24. Ngành có điểm chuẩn tăng nhiều nhất lên đến 9,5 điểm. Các ngành sư phạm tại Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Đà Lạt cũng tăng mạnh. Đáng chú ý là tại Trường ĐH Đà Lạt, điểm chuẩn sư phạm tăng đáng kể, trong đó lịch sử tăng 6 điểm, hóa học tăng 4 điểm.
Ở các trường chuyên đào tạo sư phạm, điểm chuẩn cũng tăng tuy mức tăng thấp hơn so với các trường đại học đa ngành. Tại Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, điểm chuẩn tất cả các ngành sư phạm tăng so với năm trước. Tình hình cũng tương tự ở các trường sư phạm khác. Đơn cử như Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), năm 2021 các ngành sư phạm cơ bản đều có điểm chuẩn 19, 20 nhưng năm nay điểm chuẩn vọt lên 24, 25 điểm.
Tương tự, điểm chuẩn Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) có sự thay đổi rất nhiều, hầu hết các ngành sư phạm đều có điểm chuẩn tăng từ 0,2 đến 2 điểm.
Nguyên nhân do đâu?
Nguyễn Thùy Duyên (TP Hồ Chí Minh) vừa trúng tuyển vào ngành sư phạm tiểu học Trường ĐH Sài Gòn. Duyên cho biết trong gia đình có nhiều người làm nghề giáo, bản thân cũng thích nghề này nên đã chọn sư phạm. Ngoài ra, Duyên cho biết việc được miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí cũng là yếu tố tác động thêm trong việc chọn ngành sư phạm.
Ông Nguyễn Trung Thành - Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH An Giang cho biết chỉ tiêu sư phạm của trường năm nay được duyệt tương đương năm trước. Tuy nhiên, điểm chuẩn tăng mạnh có nhiều lý do. "Điểm thi năm nay của thí sinh cao, số lượng đăng ký nhiều, trường xét tuyển nhiều phương thức nên chỉ còn một tỉ lệ nhất định cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, vì vậy điểm chuẩn các ngành sư phạm tăng mạnh" - ông Thành nói.
Ông Lê Xuân Vinh - Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn - cũng cho rằng vì chỉ tiêu sư phạm của trường ít, điểm thi các tổ hợp văn - sử - địa của thí sinh cao nên điểm chuẩn nhiều ngành sư phạm tăng mạnh.
Trong khi đó, ông Lê Phan Quốc - Phó Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng có nhiều nguyên nhân nhưng cách thức đăng ký xét tuyển thay đổi là nguyên nhân chính đẩy điểm chuẩn sư phạm tăng. Theo ông Quốc, năm nay tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường giảm so với năm trước nhưng số thí sinh đạt điểm cao nhiều hơn.
"Những năm trước thí sinh đăng ký trước khi biết điểm, trúng tuyển các phương thức xét tuyển sớm phải xác nhận nhập học trước. Năm nay đăng ký sau khi biết điểm, không xác nhận nhập học sớm nên còn nhiều thí sinh điểm cao trong đợt xét tuyển này" - ông Quốc giải thích thêm. Cũng theo ông Quốc, chỉ tiêu giảm và đề thi dễ cũng có tác động một phần đến điểm chuẩn.
Tuy nhiên, có một số ngành của trường chỉ tiêu giữ nguyên như năm trước hoặc tăng nhưng điểm chuẩn vẫn tăng. "Chính sách miễn học phí và hỗ trợ tài chính tôi cho rằng cũng có tác động đáng kể đến lựa chọn ngành sư phạm của thí sinh năm nay. Và đó cũng là lý do nhiều thí sinh giỏi chọn vào ngành sư phạm" - ông Quốc nói thêm.
Ông Nguyễn Kim Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh - đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm là yếu tố chính thu hút thí sinh vào nhóm ngành này. Theo ông Hồng, với mức Nhà nước "cho vay" hiện nay, sinh viên nghèo có thể yên tâm học hành bởi nó có thể bảo đảm tài chính cho học phí và sinh hoạt phí. Đó là tín hiệu tích cực cho ngành sư phạm khi thu hút được người giỏi, như chính sách miễn học phí sư phạm cách đây hơn 20 năm.
Quan trọng là việc làm và thu nhập
Mặc dù đánh giá tích cực chính sách hỗ trợ tài chính nhưng ông Nguyễn Kim Hồng cho rằng điều quan trọng nhất đó là việc làm và thu nhập cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. Chính sách miễn học phí sư phạm trước đây lúc đầu phát huy rất tốt khi điểm chuẩn sư phạm luôn rất cao. Tuy nhiên, khoảng 5 năm sau thì không còn hiệu quả như lúc đầu nữa. "Sinh viên sư phạm mới ra trường nếu đi dạy lương hơn 3 triệu đồng. Như vậy làm sao khuyến khích và giữ chân người giỏi vào ngành sư phạm được. Cần phải có chính sách căn cơ cho vấn đề này" - ông Hồng nói.
Nguồn: Minh Giảng tổng hợp
Theo Tuổi trẻ