Nguyễn Hoàng Đức và giấc mơ FIFA World Cup 2026
Trong nước - Ngày đăng : 14:52, 20/09/2022
- World Cup 2026 tăng từ 32 lên 48 đội tuyển, châu Á cũng nhờ đó từ 4,5 lên 8,5 suất. Hoàng Đức đánh giá thế nào về cơ hội của Việt Nam?
- Cơ hội đã mở rộng ra với Việt Nam và các đội tuyển châu Á. Tất nhiên, trước tiên chúng tôi phải vượt qua các vòng loại, có mặt ở vòng loại cuối cùng tụ hội các đội mạnh nhất châu lục. Chúng tôi phải luôn cố gắng, khi nào vượt qua được những đối thủ hàng đầu châu Á thì mới có thể nghĩ tới World Cup. Mục tiêu thiết thực là đưa Việt Nam vào vòng play-off World Cup 2026. Ở vòng loại World Cup 2022, chúng tôi vào top 12 châu Á nhưng có chắc suất ở nhóm này hay không thì chưa biết được. Tôi chỉ chắc chắn sẽ cố gắng giúp đội tuyển có chỗ đứng ở nhóm đầu châu lục.
- Mục tiêu lần này với vòng loại World Cup 2022 có khác biệt nào không?
- Không. Nhiều người nghĩ chúng tôi vào tới vòng loại cuối World Cup 2022 là tốt lắm rồi, nhưng toàn đội đã đặt mục tiêu ngay từ đầu. Đó là cố gắng đứng hạng ba để tranh suất play-off. Chúng tôi biết khả năng của đội ở đâu trong lần đầu tham dự, chưa thể khẳng định sẽ đứng nhất hay nhì nhưng phải có mục tiêu rõ ràng.
- Việt Nam vào vòng loại cuối là lịch sử nhưng rồi thua liền bảy trận, chuỗi thành tích không tốt đã khiến toàn đội khó khăn thế nào?
- Vòng loại World Cup như một cuộc chiến đánh bại sự hoài nghi. Ở vòng loại hai, tôi vẫn nhớ khi đội thắng Malaysia 2-1 là đã có cửa vào vòng cuối, nhưng lúc đó vẫn có rất nhiều ý kiến nói đội chưa có cửa. Sau trận gặp UAE (thua 2-3), chúng tôi mới biết mình chính thức đi tiếp.
Ban đầu, anh em thấy vinh dự, cũng đặt mục tiêu như đã nói ở trên, xong chuỗi khởi đầu ở vòng loại ba có thể dùng một từ "chán". Ai cũng biết thua nhiều trận thì tâm lý cầu thủ sẽ chán, không được vững. Đá mãi vẫn thua dù nhiều trận cảm giác có điểm gần lắm rồi. Anh em quanh quẩn chỉ nói động viên nhau rằng đây là lần đầu, cố gắng hết sức giành một kết quả tốt là vinh dự rồi.
- Cảm giác ấy dường như trùng khớp với lần Hoàng Đức cùng Việt Nam dự FIFA U20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc?
- Đúng vậy. Đấy là lần đầu tiên tôi được thi đấu với cầu thủ nước ngoài ở châu Âu, châu Mỹ,... Nó xa vời môi trường bóng đá truyền thống là gặp đội Đông Nam Á, cùng lắm là châu Á. Khi chúng tôi gặp New Zealand, Pháp, Honduras thì mới thấy trình độ họ khác biệt với Việt Nam mình. Lúc đó, họ đã có những cầu thủ 20 tuổi rất nổi tiếng, đã khẳng định được bản thân ở châu Âu rồi.
Trận thua Pháp 0-4 là kỷ niệm đáng nhớ. Cảm giác của tôi ban đầu là vào sân thì cố gắng cống hiến hết mình, tránh bàn thua để đỡ bị nói là thủng lưới nhiều, làm người xem cảm thấy nhàm chán. Cuối cùng, ai cũng thấy đẳng cấp chênh lệch rất nhiều. Việt Nam xứng đáng nhận thất bại nhưng chúng tôi học hỏi được nhiều thứ từ đấy.
Tôi chưa bao giờ nghĩ được tham dự sân chơi World Cup như thế. Tôi nghĩ sau đó tôi càng khao khát đưa đội tuyển Việt Nam dự World Cup một lần. Đó là ước mơ lớn nhất, không của riêng tôi mà còn nhiều cầu thủ khác.
- Hoàng Đức nghĩ sao về quan điểm cho rằng bóng đá Việt Nam khó dự World Cup vì thiếu nhiều yếu tố, từ ít trung tâm đào tạo trẻ chất lượng đến sự chuyên nghiệp của câu lạc bộ, sức khoẻ tài chính nền bóng đá,...?
- Môi trường bóng đá bây giờ tốt hơn ngày xưa, được nhiều người quan tâm, doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư nhiều. Thế nhưng, tôi nghĩ như vậy vẫn chưa đủ. Nguyện vọng của tôi trong tương lai là phải có lộ trình dài đầu tư cho bóng đá trẻ, có nhiều trung tâm lớn hơn nữa để nuôi nấng cầu thủ nhí. Tôi thấy còn nhiều tỉnh, nhiều trung tâm chưa đạt đủ điều kiện về ăn uống, tập luyện,... dẫn tới cầu thủ Việt còn nhiều hạn chế.
Việt Nam có một số trung tâm to như Viettel, PVF, HAGL,... thì các cầu thủ được quan tâm, có người dạy bảo, dinh dưỡng đầy đủ,... Nhưng vậy là chưa đủ. Nhiều địa phương đông tài năng thì không có hệ thống đào tạo trẻ. Tôi hơi tiếc về điều này và nhiều người nhìn vào lúc nào cũng thấy thiếu.
- Bên cạnh phát triển trong nước, cá nhân cầu thủ ra nước ngoài thi đấu cũng là cách để học hỏi từ những nền bóng đá tiến bộ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không thành công lại tạo áp lực ngược. Đức nghĩ sao về chuyện này?
- Tôi đã chia sẻ rất nhiều về việc này rằng rất sẵn sàng được tới những môi trường phát triển hơn để thử sức. Nếu có cơ hội, tôi nghĩ cầu thủ Việt Nam nào cũng nên làm như thế. Mình sẽ thoát ra khỏi vùng an toàn, biết bản thân đang ở đâu, biết sửa đổi và trau dồi kinh nghiệm nhiều hơn. Nếu bạn chỉ mãi ở một chỗ thì sẽ không bao giờ biết giới hạn của bản thân.
Một cầu thủ ra nước ngoài cần rất nhiều yếu tố, trước mắt là ngoại ngữ. Tôi nghĩ đây là điểm yếu của cầu thủ Việt, bởi lẽ, sang môi trường khác mà không hiểu tiếng thì rất khó giao tiếp với đồng đội. Tôi nghĩ đây là điều cơ bản, quan trọng nhất sau đó mới là cải thiện nhiều hơn về thể lực, chuyên môn.
- Đội tuyển Việt Nam đang sở hữu một thế hệ xuất sắc, có sự đoàn kết và ổn định, nhưng không tránh khỏi sự thay máu hay chia tay. Việc HLV Park Hang-seo gắn bó thêm ba hay bốn năm tới vẫn còn bỏ ngỏ có ảnh hưởng tới tham vọng ở vòng loại World Cup 2026?
- Tôi nghĩ nếu xảy ra thì đó là điều đáng tiếc trong việc hướng tới World Cup 2026. Dĩ nhiên, đó chỉ là một trong nhiều việc cần làm. Không chỉ chuyên môn, chúng tôi cần may mắn nữa. Rất khó nói trước nhưng nếu có cơ hội thì tôi mong HLV Park Hang-seo gắn bó lâu dài với đội tuyển Việt Nam.
Tôi cũng cho rằng thế hệ chúng tôi chưa phải tốt nhất, tương lai còn nhiều bạn trẻ tốt hơn. Thế nhưng, nếu anh em đồng lòng ở vòng loại World Cup tới thì sự quyết tâm càng cao. Anh em đã trải qua một lần thử sức rồi, lần tới tham dự sẽ cố gắng hạn chế sai sót và nếu suôn sẻ thì mục tiêu đá play-off thành hiện thực.
- World Cup trong ký ức tuổi thơ của Hoàng Đức như thế nào?
- Tôi cũng không biết mình tiếp cận World Cup khi nào, chỉ nhớ là thích đội tuyển Đức vì hồi xưa người lớn hay gọi là "cỗ xe tăng". Tôi bị thích biệt danh ấy nên thích Đức thôi, chưa phải là vì xem các đội đá hay nên thấy thích.
- Đến World Cup 2022 thì sao?
Tôi cổ vũ Argentina vì khả năng đây là năm cuối sự nghiệp của Messi. Tôi đang mong chờ anh ấy thi đấu và vô địch World Cup nếu thuận lợi.
- Nhắc đến Messi, Hoàng Đức năm nay cũng được hãng bia Budweiser chọn làm đại sứ thương hiệu tại Việt Nam, sánh vai trong cùng chiến dịch với Messi, Neymar và Sterling. Cảm giác của Đức thế nào?
- (Cười) Ban đầu, tôi bất ngờ khi nghe tin ấy, không nghĩ mình được đứng chung với nhiều ngôi sao. Tôi có hỏi các anh thân thiết thì biết Budweiser là hãng bia gắn bó lâu dài nhất với các kỳ World Cup. Năm 2022 đánh dấu lần thứ 9 thương hiệu này tài trợ cho World Cup, thông qua chiến dịch mang tên Ủ giấc mơ lớn, chinh phục đỉnh cao. Tại Việt Nam, chiến dịch gồm nhiều hoạt động như "Thử thách chinh phục giấc mơ World Cup với phần thưởng cao nhất là chuyến đi miễn phí xem trận chung kết World Cup 2022.
Với tư cách Quả bóng vàng Việt Nam 2021, đồng thời là đại sứ thương hiệu của Budweiser năm 2022, Đức có tham gia vào 1 quảng cáo đặc biệt dành riêng cho Việt Nam, để nói lên giấc mơ tham dự FIFA World Cup. Tôi rất thích ý tưởng Dẫu từ bất kỳ nơi đâu, Đỉnh cao thế giới sẵn sàng ta ghi dấu, vì nó rất ý nghĩa, với các siêu sao thì giấc mơ của họ sẽ là chinh phục cúp vàng World Cup, còn giấc mơ của Đức và Việt Nam, đó là được tham dự chính thức World Cup. Chúng ta đang có những bước tiến vượt bậc, và với sự động viên khích lệ của tất cả mọi người Việt Nam, Đức và đồng đội sẽ làm hết sức mình để hiện thực hoá giấc mơ đó. Hy vọng người hâm mộ sẽ thích và đón nhận đoạn phim này.
- Sang chuyện bên lề một chút, Hoàng Đức được xem là mẫu cầu thủ chuyên nghiệp. Đức nghĩ sao về hai từ "chuyên nghiệp" trong bóng đá?
- Để trở thành chuyên nghiệp cần nhiều yếu tố, tôi nghĩ sinh hoạt và giờ giấc chính xác là những điều quan trọng. Bản thân mình chu đáo, đúng giờ từ sinh hoạt, ăn uống, tập luyện,... sẽ giúp hoàn thiện bản thân nhiều hơn. Cầu thủ cũng đừng nên lệch lạc trong cách sống, đi theo hướng không tốt.
- Từ một cầu thủ trẻ thành cầu thủ nhà nghề cũng phải đánh đổi nhiều thứ, với Đức là gì?
- Đánh đổi lớn nhất của tôi là gia đình, không được gần bố mẹ. Kiểu cuộc nói chuyện giữa tôi và gia đình không được trực tiếp, thường xuyên hàng ngày như người bình thường. Mình chỉ có thể nói chuyện qua điện thoại. Thời gian ngắn nhất có thể gặp bố mẹ là từ hai đến ba tháng, không có thời gian để gia đình hiểu nhau hơn.
- Cảm ơn Đức về cuộc trò chuyện!
Theo VnExpress