Tuyển sinh 2022: Còn cơ hội nào để vào đại học?

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 09:16, 22/09/2022

Đến ngày 21.9, có gần 50 trường đại học (ĐH) công lập và tư thục trên cả nước thông báo tiếp tục xét tuyển bổ sung nhiều ngành theo nhiều phương thức với hàng trăm chỉ tiêu ở mỗi trường.

Tân sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo các chuyên gia, đến ngày 30.9 sẽ có thêm nhiều trường xét tuyển bổ sung. Do vậy, thí sinh cần theo dõi sát thông tin từ các trường mình quan tâm để kịp thời đăng ký xét tuyển.

Trường lớn, ngành "hot" tuyển bổ sung

Đáng chú ý trong số các trường đã thông báo xét tuyển bổ sung có các trường đại học công lập lớn vẫn còn nhiều chỉ tiêu xét tuyển đợt 2 ở nhiều ngành "hot".

Cụ thể, Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh xét tuyển bổ sung tại cơ sở TP Hồ Chí Minh và Phân hiệu Quảng Ngãi. Tại cơ sở chính ở TP Hồ Chí Minh, trường xét bổ sung 180 chỉ tiêu theo phương thức xét kết quả kỳ thi THPT năm 2022 vào tám nhóm ngành/ngành: 

Quản lý tài nguyên môi trường, quản lý đất đai và kinh tế tài nguyên, dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, công nghệ dệt may, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, công nghệ thực phẩm (chương trình chất lượng cao). Nhận hồ sơ tất cả các ngành là 19 điểm (tất cả các tổ hợp).

Tại Phân hiệu Quảng Ngãi, trường xét tuyển bổ sung 140 chỉ tiêu theo hai phương thức xét điểm thi THPT năm 2022 và xét học bạ THPT năm lớp 12 vào bốn ngành: kế toán, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử. Nhận hồ sơ xét điểm thi THPT là từ 17 điểm; học bạ lớp 12 ngành kế toán 21 điểm, các ngành còn lại 20,5 điểm. Trường nhận hồ sơ đến 16h ngày 30.9.

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng xét tuyển bổ sung tại Phân hiệu Vĩnh Long với 150 chỉ tiêu theo hai phương thức. Đó là xét tuyển học bạ THPT theo tổ hợp môn (25% chỉ tiêu) và xét kết quả thi THPT năm 2022 (chỉ tiêu còn lại). Đối với xét học bạ, thí sinh có điểm trung bình tổ hợp (A00, A01, D01, D07) đăng ký xét tuyển từ 6,50 trở lên tính theo năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12. 

Với xét điểm thi THPT (điểm bài thi/môn thi theo tổ hợp xét tuyển), mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển theo tổ hợp các ngành kinh doanh nông nghiệp, luật kinh tế, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là 16 điểm; ngôn ngữ Anh 17 điểm; quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kinh doanh quốc tế 18 điểm.

Ông Lê Phan Quốc - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh - cũng cho hay trường sẽ xét tuyển bổ sung ngành sư phạm công nghệ với khoảng 40 chỉ tiêu.

Tuyển bổ sung ở hầu hết nhóm ngành

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh xét tuyển bổ sung tám ngành: công nghệ chế biến thủy sản, quản lý năng lượng, công nghệ vật liệu, công nghệ kỹ thuật môi trường, quản lý tài nguyên và môi trường, kinh doanh thời trang và dệt may, kỹ thuật nhiệt, khoa học chế biến món ăn. 

Trong khi Trường ĐH Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh xét tuyển bổ sung theo hai phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và xét tuyển học bạ THPT với 500 chỉ tiêu cho chín chuyên ngành. Ba chuyên ngành xét nhiều chỉ tiêu nhất là cơ khí ô tô, cơ điện tử ô tô, quản lý cảng và logistics (90 chỉ tiêu/chuyên ngành), còn lại 20 - 60 chỉ tiêu/chuyên ngành. Điểm nhận hồ sơ là 15 điểm với xét kết quả thi THPT, xét học bạ từ 18 - 22 điểm.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng dành hơn 500 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung chương trình tiêu chuẩn (ngành khoa học môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường, bảo hộ lao động, quy hoạch vùng và đô thị, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, golf); chương trình chất lượng cao (thiết kế đồ họa, công nghệ sinh học, kỹ thuật điện, kỹ thuật xây dựng).

Chương trình đại học bằng tiếng Anh: Việt Nam học (du lịch và quản lý du lịch), tài chính ngân hàng, kế toán (kế toán quốc tế), công nghệ sinh học, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật xây dựng...

Trường ĐH Tây Nguyên cũng xét đợt 2 với 587 chỉ tiêu của 22 ngành. Trường ĐH Tài chính - Kế toán xét tuyển bổ sung tại cơ sở chính ở Quảng Ngãi và phân hiệu tại tỉnh Thừa Thiên Huế với 120 chỉ tiêu vào các ngành quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán, kinh doanh quốc tế và luật kinh tế.

Đã trúng tuyển có bắt buộc nhập học?

Nhiều thí sinh thắc mắc đã trúng tuyển nhưng không muốn theo học có được không. Theo quy định, thí sinh trúng tuyển đợt 1 bắt buộc phải xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT và hoàn tất thủ tục nhập học tại trường mới chính thức trở thành sinh viên.

Tuy nhiên, nếu thí sinh đã trúng tuyển (thậm chí đã xác nhận nhập học trên hệ thống) nhưng không nhập học tại trường trong thời hạn quy định được coi như không có nhu cầu học. Trong trường hợp này, thí sinh vẫn được quyền tiếp tục đăng ký xét tuyển vào các trường, ngành (có xét tuyển bổ sung) hoặc chọn học cao đẳng, trường nghề...

Có trường tuyển hàng nghìn chỉ tiêu

Nhiều trường tư thục cũng đã thông báo xét tuyển từ vài trăm đến hàng nghìn chỉ tiêu vào nhiều ngành theo các phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ THPT và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2022... 

Trường ĐH Văn Lang nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung 50 ngành theo ba phương thức xét điểm thi THPT năm 2022 từ 16 - 21 điểm; xét học bạ THPT từ 18 - 24 điểm (nhóm ngành sức khỏe cao nhất); xét điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh từ 650 - 750 điểm.

Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng cũng xét tuyển bổ sung cho cả 35 ngành. Trong đó xét điểm thi THPT các ngành răng hàm mặt, y khoa, y học cổ truyền, dược học, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm, kỹ thuật phục hồi chức năng, hộ sinh, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học nhận hồ sơ bằng ngưỡng đảm bảo đầu vào Bộ GD-ĐT quy định. 

Các ngành còn lại chung mức điểm sàn 15. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn... cũng tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu mỗi trường.

Theo Tuổi trẻ