Nam Bộ kháng chiến năm ấy, cả biển người và rừng cờ hoa tràn về Sài Gòn

Chính trị - Ngày đăng : 09:22, 23/09/2022

Đoàn người kéo xuống Phú Lâm, đến Chợ Lớn mới, theo đường xe lửa giữa ra Sài Gòn, hòa cùng biển người và rừng cờ hoa khắp Nam Bộ tề tựu về đây, chân đi rầm rập, miệng hát vang bài Lên đàng hùng tráng.

Nam Bộ kháng chiến năm ấy, cả biển người và rừng cờ hoa tràn về Sài Gòn - Ảnh 1.

Đồng bào sẵn sàng hy sinh cho nước nhà độc lập trong giai đoạn lịch sử Nam Bộ kháng chiến - Ảnh tư liệu

"Tôi may mắn được sống trong những năm tháng hào hùng nhất của lịch sử dân tộc thế kỷ 20". Đó là trải lòng của ông Võ Anh Tuấn, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc. 

Đã cao tuổi và trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm, nhưng ông vẫn không thể quên được tháng ngày lịch sử hào hùng Nam Bộ kháng chiến năm 1945 ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

Xin giới thiệu bài viết của ông Võ Anh Tuấn với tư cách chứng nhân lịch sử, trích từ cuốn hồi ký Thanh thản một cuộc đời (Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia).

Khát vọng độc lập

Ngày 19.8.1945, cuộc tổng khởi nghĩa toàn thắng ở Hà Nội và lan rộng khắp nơi từ Bắc vào Nam. Cả nước đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Vận nước đã đến. Tôi không thể giữ mãi ước mơ nhỏ bé khi bước chân vào Trường Petrus Ký là trở thành một thầy giáo hay "thầy thông, thầy ký" để có đồng lương báo hiếu mẹ cha, mà phải làm điều gì đó góp phần giải phóng dân tộc khỏi xiềng xích thực dân, phát xít.

Đêm 24.8.1945, lực lượng cách mạng Tân Tạo bắt giam cai tổng Hà Văn Búc (phủ Bắc) và một số hội tề ác ôn. Chánh quyền làng Tân Tạo (nay thuộc quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) về tay nhân dân mà không đổ máu. 

Sáng 25.8.1945, tôi tham dự cuộc mít tinh của Thanh niên Tiền phong các xã Tam Tân (Tân Tạo, Tân Kiên, Tân Nhựt). Sau đó tôi cùng đoàn biểu tình hơn 1.000 người tiến về Sài Gòn, tay cầm cờ đỏ sao vàng, miệng hô khẩu hiệu "Chính quyền về tay Việt Minh!", "Việt Nam hoàn toàn độc lập!".

Đoàn người kéo xuống Phú Lâm, đến Chợ Lớn mới, theo đường xe lửa giữa, tức đường Galiéni (nay là đường Trần Hưng Đạo) ra Sài Gòn, hòa cùng biển người và rừng cờ hoa khắp Nam Bộ tề tựu về đây, chân đi rầm rập, miệng hát vang bài Lên đàng hùng tráng, vai mang đủ thứ vũ khí có được như dao, mác, tầm vông vạt nhọn, súng mút.

Rừng người diễu hành qua các đường phố Sài Gòn, từ tổng hành dinh Ủy ban khởi nghĩa ở số 6 đường Colombert (nay là cơ quan Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh, đường Alexandre de Rhodes) đến đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn), xung quanh chợ Bến Thành, tập trung trước dinh Đốc lý (nay là trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh) để mừng cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn đã thành công trong đêm hôm qua và dự lễ Lâm ủy hành chánh Nam Bộ, tức Ủy ban hành chánh lâm thời Nam Bộ, do ông Trần Văn Giàu làm chủ tịch, nghe ông Giàu tuyên bố "Chế độ cộng hòa dân chủ được thành lập ở Nam Bộ" và kêu gọi "Toàn dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do".

Sau đó các đoàn tiếp tục tuần hành qua các đường phố từ trung tâm Sài Gòn xuống các đường bờ sông, vừa hát vang các bài Thanh niên hành khúc, Lên đàng, Bạch Đằng giang, Quốc tế ca... vừa hô khẩu hiệu "Chánh quyền về tay Việt Minh", "Đả đảo khâm sai Nguyễn Văn Sâm"... sau đó giải tán trong trật tự.

Sáng sớm 2.9.1945, một lần nữa tôi cùng hàng ngàn thanh niên và các tầng lớp nhân dân khác của làng Tân Tạo đi lên Sài Gòn dự cuộc mít tinh khổng lồ, để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. 

Địa điểm mít tinh tại đường Norodom, phía sau nhà thờ Đức Bà, với số lượng người tham dự đông hơn lần trước, hàng ngũ chỉnh tề, tay cầm hoa và cầm cờ Việt Minh, cờ Thanh niên Tiền phong, có cả cờ đỏ búa liềm, miệng vừa hát vừa hô khẩu hiệu ủng hộ Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh, hoan nghênh Việt Minh. 

Mặc dù hôm ấy trời mưa nhưng không ảnh hưởng đến khí thế sục sôi của rừng người tham dự mít tinh. Tiếng hô "Muôn năm! Muôn năm!" xen lẫn tiếng hát của những hành khúc Tiếng gọi sinh viên, Lên đàng hùng tráng.

Bước ngoặt trong cuộc đời tôi

Sau ngày giành chính quyền, tôi được phân công làm hai việc tại quê nhà. Một là dân quân du kích đêm đêm ngủ tập trung tại một ngôi đình gần chợ Bà Hom để sẵn sàng ứng phó khi "hữu sự". Hai là tiếp tục triển khai công tác bình dân học vụ xóa mù chữ trong xã nhà theo Lời kêu gọi chống giặc dốt của Bác Hồ. 

Nhiều lớp học theo chương trình "I - tờ" được tổ chức khắp nơi trong nhà dân, trong đình làng, tại nhà võ "miếu" của ấp, dưới bóng cây... Trẻ già, gái trai đều đi học, mọi người coi đi học chữ quốc ngữ là một hành động yêu nước.

Sáng sớm 23.9.1945, quân Pháp đánh chiếm các cơ quan đầu não của chánh quyền cách mạng tại Sài Gòn. Cuộc kháng chiến Nam Bộ bắt đầu. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, toàn dân Sài Gòn - Chợ Lớn bất hợp tác và triệt để bao vây kinh tế địch: thành phố không điện, không nước, chợ ngừng buôn bán, trường học ngừng hoạt động. 

Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra tại các mặt trận như Thị Nghè, Cầu Kiệu, Tham Lương... Địch bị cầm chân trong nội thành cả tháng. Mặt trận phía tây gồm Phú Lâm, Chợ Đệm do Cộng hòa vệ binh và Bộ đội tổng công đoàn phụ trách, phối hợp với dân quân du kích làng Tân Tạo bẻ gãy nhiều đợt đánh "nống ra" của địch theo hướng Bình Trị Đông, Tân Tạo, Cầu Xáng, Đức Hòa.

Thực hiện chủ trương "vườn không nhà trống", ủy ban hành chính làng Tân Tạo vận động nhân dân quanh chợ Bà Hom và dọc tỉnh lộ số 10 sơ tán lúa gạo, gia súc đi nơi khác, không để bị địch cướp và thực hiện chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh". 

Nhà của cha mẹ tôi là nơi ủy ban xã gửi hàng chục tấn đường cát trắng và một số lương thực, thực phẩm khác như hàng tấn bí rợ... để làm dự trữ tiếp tế cho bộ đội đóng quân trong vùng Láng Le - Bàu Cò...

Ngày lễ kết nạp tôi vào Đảng được tổ chức tại một ngôi nhà lá nhỏ trong rừng tràm cạnh kênh Bà Vụ. Nghi thức đơn giản nhưng trang nghiêm. Trước cờ đỏ búa liềm, tôi thề suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Ngày ấy đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời tôi.

306678860_458348606067288_4687970719241802625_n 1(Read-Only)

Ông Võ Anh Tuấn (phía sau) trong chiến khu - Ảnh tư liệu


Ông Võ Anh Tuấn, sinh năm 1927, quê ở làng Tân Tạo vùng ven TP Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, học rất giỏi, được học bổng của chính quyền thuộc địa Pháp từ khi còn là học sinh trường ở Phú Lâm đến Trường Petrus Ký.

Tận mắt chứng kiến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ rất anh dũng tại quê nhà nhưng bị dìm trong máu lửa, từ năm 1943 ông bắt đầu tham gia phong trào học sinh yêu nước. Đến năm 1945, ông nhập cùng phong trào Thanh niên Tiền phong tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Tham gia Nam Bộ kháng chiến từ buổi ban đầu, sau đó ông Võ Anh Tuấn tiếp tục vào chiến khu làm nhiều nhiệm vụ như dạy học, rồi chuyển sang ngành ngoại giao. Năm 1982, ông là Trưởng đoàn Việt Nam ký Công ước Luật Biển 1982 tại hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 3 về Luật Biển.


Ngày 23.9 đi vào lịch sử như ngày "Nam Bộ kháng chiến", mở đầu cho cuộc chiến đấu gian lao mà anh dũng trong suốt 30 năm của Nam Bộ "đi trước về sau" .

Để bảo vệ lá quốc kỳ trên đỉnh cột cờ Thủ Ngữ, một tiểu đội được trang bị súng săn, lựu đạn, đã chiến đấu đến người cuối cùng chống lại một đại đội địch được vũ trang hùng hậu.

Trong khi đó, các chiến sĩ thuộc Sở chữa lửa quyết hạ lá cờ của địch treo trên tháp cao. Cầu thang trống trơ, các chiến sĩ bị địch từ bót cảnh sát bên kia đường bắn sang nhưng người trước ngã, người sau vẫn cầm cờ leo tiếp không hề nao núng. Phải đến người thứ tư, anh Năm Hạnh mới hạ cờ tam tai xuống và treo lá cờ đỏ sao vàng lên đỉnh tháp.

(Trích sách Lịch sử Nam Bộ kháng chiến)

Theo Tuổi trẻ