Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển thị trường khoa học, công nghệ

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 18:49, 23/09/2022

Chiều 23.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập". Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hội nghị được tổ chức trực tiếp ở trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện các tổ chức quốc tế, các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp; các nhà khoa học.

Đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hải Dương. Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Lao động - Thương binh và xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, một số doanh nghiệp khoa học- công nghệ và tổ chức tư vấn khoa học - công nghệ trong tỉnh...


Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hải Dương

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang phát triển dựa trên 3 trụ cột là: xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thời gian qua, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó đoán định, tình hình kinh tế thế giới có những khó khăn, nguy cơ suy thoái, ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam. Các nước đều phải có các công cụ để can thiệp, điều hành, kiểm soát rủi ro của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ tập trung vào các trọng tâm chỉ đạo, điều hành gồm “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, và 1 kiên quyết không”. Trong đó, 4 ổn định là: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Với phương châm đó, trong những tháng gần đây, Chính phủ đã tổ chức ba hội nghị về phát triển các loại thị trường gồm: thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường lao động và hôm nay là hội nghị về thị trường khoa học, công nghệ.

Theo Thủ tướng, thị trường khoa học, công nghệ ở nước ta là một trong những yếu tố quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư, đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách có liên quan; thị trường khoa học, công nghệ bước đầu được hình thành, phát triển và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và so với một số thị trường khác, thị trường khoa học, công nghệ phát triển chậm, còn nhiều vướng mắc, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh…

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ 10 năm 2021 - 2030 đã xác định: “Phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ. Kết nối có hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương. Phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới, đánh giá chuyển giao công nghệ…”.

Do vậy, phát triển mạnh mẽ thị khoa học, công nghệ là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hội nghị này nhằm đánh giá tình hình, nhận diện đúng những hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức, từ đó xác định phương hướng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức, vận hành tốt hơn thị trường khoa học, công nghệ. Với mong muốn, thị trường này thực sự trở thành con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất, biến khoa học, công nghệ thành lực lượng sản xuất chủ lực của xã hội, giúp các doanh nghiệp tạo ra nhiều hàng hóa, dịch vụ mới có hàm lượng khoa học cao, tạo sức cạnh tranh vượt trội của nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự Hội nghị phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường khoa học, công nghệ ở Việt Nam; làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường khoa học, công nghệ; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể này với nhau.

Đặc biệt, các đại biểu tìm câu giải đáp trước thực trạng nhiều kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện, trường khá dồi dào, nhưng hàng hoá khoa học, công nghệ vẫn rất hạn chế; nhu cầu tiếp thu, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới luôn hiện hữu, song không phải doanh nghiệp nào cũng tích cực, hào hứng đầu tư mua sắm hàng hóa khoa học, công nghệ.

Đại diện các bộ, ngành, tổ chức, các nhà khoa học thảo luận về tổ chức trung gian, môi giới, kết nối, thúc đẩy giao dịch, lưu thông hàng hóa khoa học, công nghệ; phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học, công nghệ hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế; về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường khoa học, công nghệ; giải pháp để tăng cường vai trò của Nhà nước trong định hướng, điều tiết và hỗ trợ hiệu quả cho thị trường khoa học, công nghệ phát triển trong thời gian tới.

PV - TTXVN