Hướng đi nào cho Công ty Giống gia súc Hải Dương?

Công nghiệp - Ngày đăng : 06:00, 25/09/2022

Hơn 40 năm hoạt động, Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc Hải Dương đã tạo dựng được uy tín với các hộ chăn nuôi trong tỉnh. Tuy nhiên những năm gần đây, đơn vị liên tục làm ăn thua lỗ, dẫn đến nguy cơ phải giải thể.


Do gặp nhiều khó khăn nên Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc Hải Dương phải bán toàn bộ số lợn nái, lợn thịt để tạm ứng lương cho công nhân, trả tiền cám

Từng là doanh nghiệp nhà nước có hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, hỗ trợ đắc lực trong việc mở rộng và nâng cao chất lượng đàn lợn của tỉnh, song những năm gần đây, Công ty TNHH một thành v iên Giống gia súc Hải Dương (Công ty Giống gia súc) liên tục làm ăn thua lỗ, đứng trước nguy cơ giải thể. 

Cầm cự

Công ty Giống gia súc là doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, có nhiệm vụ sản xuất, cung ứng liều tinh dịch lợn cho các hộ chăn nuôi lợn nái trên địa bàn; nuôi giữ giống gốc lợn nái sinh sản cấp ông bà; đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật chăn nuôi thú y. Công ty có trụ sở làm việc rộng hơn 2.300 m2 tại km4+500 đường An Định (TP Hải Dương) và trại lợn giống diện tích hơn 46.000 m2 ở xã Định Sơn (Cẩm Giàng) với quy mô 150 con lợn đực giống, 200 con lợn nái sinh sản cấp ông bà.

Trước đây, UBND tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ 100% giá trị liều tinh dịch lợn cho các hộ nuôi lợn nái, trừ các hộ nuôi gia công thông qua việc ký hợp đồng đặt hàng với Công ty Giống gia súc. Công ty còn nuôi lợn nái để cung ứng con giống cho các cơ sở, trang trại chăn nuôi có nhu cầu. Nhờ vậy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, người lao động có thu nhập trung bình từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào đầu năm 2019, công ty buộc phải tiêu hủy toàn bộ 100 con lợn đực giống, tạm dừng việc khai thác, cung ứng và phân phối tinh dịch lợn. Từ đây, doanh nghiệp đối mặt với vô vàn khó khăn. 


UBND tỉnh có quyết định thu hồi diện tích đất trụ sở của Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc Hải Dương từ năm 2020 nhưng doanh nghiệp vẫn phải trông coi, quản lý

"Cơn bão" dịch tả lợn châu Phi qua đi, từ cuối năm 2019, Công ty Giống gia súc bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng hệ luỵ của dịch bệnh khiến doanh nghiệp dần mất phương hướng. Trước khi dịch bùng phát, tổng số đàn lợn nái trong tỉnh khoảng 120.000 con, thời điểm dịch bệnh căng thẳng cả tỉnh chỉ còn 30.000 con lợn nái. Từ năm 2020 đến nay, đàn lợn nái của tỉnh duy trì ở mức hơn 40.000 con. Vì thế, số lượng liều tinh dịch cung ứng cũng giảm khoảng 2/3. Trong khi đó, doanh nghiệp gặp phải sự cạnh tranh của các đơn vị khác và một số trang trại đã tự chủ sản xuất con giống. Từ tháng 7.2021, UBND tỉnh cũng không hỗ trợ liều tinh dịch lợn cho hộ chăn nuôi, công ty phải tự chủ sản xuất, kinh doanh nên hoạt động ngày càng đi xuống.

Sản xuất, kinh doanh gặp khó, doanh nghiệp chỉ bảo đảm được 80% lương cho người lao động. Từ tháng 4 đến tháng 7.2022, công ty không có kinh phí trả lương cho người lao động với số tiền hơn 340 triệu đồng. Đầu tháng 7, tổ sản xuất đình công, doanh nghiệp buộc phải bán 5 con lợn đực giống không bảo đảm chất lượng và loại thải toàn bộ số lợn nái, lợn thịt để tạm ứng lương, trả tiền cám.

Vì chậm thanh toán các khoản lương, trợ cấp, bảo hiểm nên người lao động lần lượt rời đi. Từ 27 người hiện công ty chỉ còn 16 người, trong đó có 3 người đang xin nghỉ việc không lương. Doanh nghiệp còn 78 con lợn đực giống, doanh thu mỗi ngày đạt từ 4-5 triệu đồng trong khi chi phí tối thiểu nuôi giữ đàn lợn, sản xuất liều tinh dịch lợn và trả công cho người lao động từ 15-20 triệu đồng/ngày, chưa kể các chi phí khác. Lỗ luỹ kế của công ty đến hết tháng 12.2021 hơn 9 tỷ đồng.

“Công ty đã họp bàn, xây dựng nhiều phương án sản xuất, kinh doanh song vẫn không cân bằng được thu chi ở mức tối thiểu nhất. Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh cho dừng sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Thành lập ban thanh lý tài sản để thanh lý hết đàn lợn giống, cho người lao động nghỉ việc, hưởng lương bảo hiểm thất nghiệp. Bản thân tôi cũng xin nghỉ hưu trước tuổi vì lý do sức khoẻ và năng lực lãnh đạo, điều hành hạn chế trong tình hình mới”, ông Đinh Xuân Bình, Giám đốc công ty cho biết. 

Cân nhắc phương án

Để nâng cao hiệu quả hoạt động cho Công ty Giống gia súc, năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cổ phần hoá doanh nghiệp. Theo phương án cổ phần hoá, vốn điều lệ của công ty là hơn 37,8 tỷ đồng, Nhà nước sẽ nắm giữ 35%, bán cho cán bộ, nhân viên, công nhân 1,17%; còn lại sẽ được bán đấu giá công khai cho nhà đầu tư. Tuy nhiên chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm đăng ký mua cổ phần nên phiên đấu giá không được tổ chức.


Trang trại của Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc Hải Dương ở xã Định Sơn (Cẩm Giàng) rộng hơn 46.000 m2

Theo ông Bình, doanh nghiệp đã tính toán đến việc nuôi lợn thương phẩm để khắc phục khó khăn trước mắt nhưng do nhiệm vụ là nuôi lợn đực giống, cung cấp liều tinh dịch nên trang trại cũng khó đáp ứng yêu cầu này. Khi biết thông tin UBND tỉnh không hỗ trợ liều tinh dịch lợn cho hộ chăn nuôi, công ty đề nghị tỉnh xem xét giảm một nửa để đơn vị có thời gian thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh rồi sau đó cắt hoàn toàn. Tuy nhiên, kiến nghị này không được chấp thuận nên khó khăn càng chồng chất. 

Theo Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh, UBND tỉnh đang cân nhắc hướng giải thể doanh nghiệp. Nhưng việc giải thể doanh nghiệp phải tính toán kỹ lưỡng vì đây là đơn vị có kinh nghiệm trong sản xuất, quản lý chất lượng giống, trong khi chăn nuôi lợn vẫn đang là ngành chủ lực phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Hơn 40 năm hoạt động, đơn vị đã tạo dựng được uy tín với các hộ chăn nuôi trong tỉnh về chất lượng con giống cũng như thực hiện nhiệm vụ chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, ngành chăn nuôi lợn hiện vẫn chưa ổn định nên vai trò của doanh nghiệp còn mờ nhạt. Nhưng khi tổng đàn lợn khôi phục bằng thời điểm trước năm 2019, việc giải thể công ty có thể sẽ gây khó khăn trong việc cân bằng nguồn cung giống với nhu cầu sản xuất.

 DŨNG CƯỜNG