9 thói quen giặt giũ dễ gây hỏng máy, hư đồ
Mẹo vặt - Ngày đăng : 10:10, 25/09/2022
Khi sử dụng máy giặt, nhiều người có thói quen cho quần áo, bột giặt vào máy, sau đó chọn chế độ phù hợp và nhấn nút khởi động.
Tuy nhiên, họ quên rằng lượng bột giặt cần phải phù hợp với số quần áo, nếu không có thể dễ dàng làm ảnh hưởng đến độ bền của máy và trang phục.
Hãy cùng Bright Side điểm qua 9 sai lầm phổ biến mà người dùng thường mắc phải khi sử dụng máy giặt trong gia đình.
Lạm dụng viên giặt dù ít quần áo
Viên giặt quần áo được nhiều người ưa chuộng nhờ sự tiện lợi. Sản phẩm này dễ sử dụng, bảo quản và chứa một lượng chất tẩy rửa đã được tính toán, đo lường chính xác.
Tuy nhiên, một viên giặt được thiết kế cho ít nhất một lần giặt với tải trọng trung bình. Bởi vậy, nếu bạn sử dụng chất giặt tẩy này với một lượng nhỏ quần áo, chúng sẽ tạo ra tác dụng phụ, tạo thành cặn dư thừa bên trong thiết bị, làm hỏng máy bơm và động cơ.
Không thông khí cho máy giặt
Nhiều người thường đóng cửa máy giặt ngay sau khi lấy quần áo ra ngoài. Thói quen này có thể làm tăng độ ẩm trong lồng máy giặt và tạo ra một môi trường hoàn hảo cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển.
Vì vậy, bạn nên để cửa máy giặt mở trong 15-20 phút, hoặc lau các bề mặt bằng vải sau khi giặt để giúp thiết bị khô nhanh hơn.
Dùng bột giặt thay nước giặt
Bột giặt rất phù hợp để loại bỏ các vết bẩn cứng đầu, nhưng lượng bột giặt dư thừa có thể làm tắc nghẽn hệ thống. Vì vậy, với giặt máy, nước giặt là lựa chọn tốt nhất.
Nước giặt giúp loại bỏ vết bẩn ban đầu tốt hơn. Ngoài ra, nó để lại ít dấu vết trên quần áo. Quan trọng nhất, sản phẩm này an toàn cho máy giặt nhờ đặc tính hòa tan tốt hơn so với bột giặt.
Đổ bột giặt, nước giặt vào thẳng quần áo
Bạn không nên đổ nước giặt và đặc biệt là bột giặt ngay phía trên quần áo.
Cơ chế hoạt động của máy giặt giúp giải phóng chất tẩy rửa vào một thời điểm nhất định. Và nếu trình tự này bị phá vỡ, thiết bị sẽ không thể hòa tan hoàn toàn các chất tẩy rửa. Điều này có thể khiến bột giặt vẫn còn đọng lại trên quần áo sau khi giặt, hoặc để lại các vết trắng và sọc trên quần áo.
Lạm dụng nước xả vải
Ưu điểm của nước xả vải là tạo mùi thơm và độ mềm mại cho quần áo. Tuy nhiên, sản phẩm này không làm sạch quần áo tốt hơn mà còn ngược lại, làm tăng lượng chất hóa học ngấm vào món đồ.
Ngoài ra, quá nhiều nước xả vải cũng tạo điều kiện cho sự phát triển của nấm mốc và làm tắc nghẽn động cơ máy giặt và đường ống.
Cho quá ít bột giặt
Ở phần viên giặt, chúng ta đã đề cập đến hậu quả của việc sử dụng quá nhiều chất tẩy rửa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là dùng một lượng nhỏ bột giặt sẽ có lợi hơn cho quần áo.
Ngược lại, một lượng nhỏ bột giặt sẽ không thể giặt sạch quần áo. Hệ quả là bạn sẽ phải giặt thường xuyên hơn. Điều này dễ ảnh hưởng đến chất lượng của vải.
Không loại bỏ lông thú trên quần áo trước khi giặt
Nếu có vật nuôi trong nhà, việc quần áo thường phủ đầy lông là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, bạn không nên cho chúng vào máy giặt ngay sau đó. Lông thú có thể tích tụ thành cục trong khi giặt, làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước và thậm chí cả động cơ, cuối cùng làm hỏng máy giặt.
Vì vậy, tốt hơn là bạn nên dành chút thời gian làm sạch quần áo bằng con lăn dính trước khi giặt để tránh những rắc rối và tốn thêm chi phí liên quan đến việc sửa chữa.
Cho quần áo ướt vào máy giặt
Ẩm ướt là môi trường hoàn hảo cho nấm mốc phát triển. Đó là lý do tại sao bạn không nên cho khăn ướt hoặc quần áo thể thao ướt đẫm mồ hôi vào máy giặt và một lúc lâu sau mới khởi động máy.
Nếu chưa định giặt ngay, bạn nên treo và làm khô quần áo trước. Điều này sẽ giúp máy giặt không có mùi khó chịu và không gây hại cho quần áo.
Ít sử dụng những quả bóng len
Mọi người có xu hướng sử dụng nước xả vải hơn là những quả bóng len máy giặt. Tuy nhiên, ít ai biết rằng bóng len có hiệu quả hơn nhiều trong việc làm mềm vải.
Sản phẩm cũng không gây ra những hậu quả như cặn tắc máy giặt, gây dị ứng do hóa chất, hay giảm khả năng thấm hút của quần áo. Một bộ bóng len chất lượng có thể làm khô, làm mềm vải và chống nhiễm điện cho quần áo. Chưa kể, nó có thể được sử dụng trong khoảng 1.000 lần sấy giặt.
Theo Zing