Chặn bổ nhiệm cán bộ “thần tốc”
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:40, 28/09/2022
Gần đây, Đảng ta đã có 2 biện pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử “thần tốc” vốn đã xảy ra ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị. Đó là quy định về thời gian giữ chức vụ đương nhiệm và thời gian bổ nhiệm sau khi được quy hoạch.
Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18.8.2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có điểm mới quan trọng về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn. Theo điều 18 của quy định này, cán bộ muốn được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn phải có thời gian giữ chức đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất 2 năm (trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định).
Trước đó, cụ thể hóa Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27.12.2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương đã có Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW ngày 15.2.2022 một số nội dung cụ thể trong công tác này. “Không thực hiện đồng thời quy trình bổ sung quy hoạch với quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vào một chức danh lãnh đạo, quản lý. Việc thực hiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức danh quy hoạch chỉ được thực hiện sau khi phê duyệt quy hoạch ít nhất 3 tháng”, Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW nêu.
Cán bộ cần 3 tháng sau khi được phê duyệt quy hoạch và giữ chức đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương tối thiểu 2 năm mới có thể được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử ở chức vụ cao hơn. Đây là quy định phù hợp với thực tiễn, được nhiều người cho rằng sẽ ngăn chặn tình trạng cán bộ được bổ nhiệm, bầu giữ chức cao hơn theo kiểu “thần tốc” gây bức xúc dư luận nhiều năm qua.
Nếu việc sắp xếp người có tài, có đức, đủ uy tín, điều kiện để lên chức vụ cao, cho dù có được thực hiện nhanh chóng thì đó là điều rất tốt cho Đảng, cho đất nước. Còn tình trạng bổ nhiệm, bầu cử “thần tốc” mà không công tâm, khách quan vì lợi ích nhóm, do “quan hệ”, “tiền tệ” thì đáng lên án. Đã có nhiều minh chứng về tình trạng này. Đơn cử, giai đoạn 2014-2015, chỉ trong 1 năm 6 tháng, ông Lê Phước Hoài Bảo (con trai ông Lê Phước Thanh, từng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) đã lên 3 chức, từ Phó Chủ tịch UBND huyện rồi Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Thời gian từ chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư lên chức Giám đốc sở này chỉ có hơn 5 tháng. Ông này lên chức Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khi mới 30 tuổi, trẻ nhất chức vụ này trong cả nước. Sau vụ việc này, cơ quan có thẩm quyền đã vào cuộc kiểm tra, xử lý, quyết định xóa tên đảng viên, hủy bỏ các quyết định cán bộ không đúng với ông Bảo và cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 với ông Lê Phước Thanh vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có biểu hiện vun vén, ưu ái với con trai mình...
Việc bố trí cán bộ giữ chức vụ cao hơn theo kiểu “thần tốc” gây bức xúc xã hội, giảm cơ hội thăng tiến dành cho những người xứng đáng, nổi trội. Một số vụ việc có nguyên nhân từ phía cơ quan có thẩm quyền, người đứng đầu có quyền đề xuất, quyết định về công tác cán bộ đã làm sai quy định. Nhưng cũng có nhiều trường hợp làm đúng quy định, quy trình song người được lên chức vẫn bị lên án bởi không đủ năng lực, uy tín, đạo đức. Điều đó chứng tỏ “đúng quy định”, “đúng quy trình” nhưng không phù hợp với thực tế, thì cần xem lại quy định, quy trình ấy đã thực sự chuẩn, sát với thực tế chưa.
Một vấn đề đặt ra, tại sao lại cần “trường hợp đặc biệt” theo Quy định số 80-QĐ/TW? Tức là những trường hợp không nhất thiết phải sau 2 năm mới được bổ nhiệm, giới thiệu chức vụ cao hơn. Có thể hiểu đây chính là cơ hội cho những người thực sự có tài đức, hoàn toàn xứng đáng có thể được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử với thời gian nhanh chóng, sớm hơn 2 năm. Tuy nhiên, Ban Tổ chức Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể về “trường hợp đặc biệt” là trường hợp nào. Việc có một cơ chế giám sát từ phía cơ quan chức năng và nhân dân để phòng ngừa tình trạng biến tướng “trường hợp đặc biệt” mà không phải đặc biệt cũng là một vấn đề cần quan tâm.
NINH TUÂN