Nơi người dân không dám đóng cửa nhà khi ngủ
Chuyện lạ - Ngày đăng : 20:21, 01/10/2022
Bị chôn sống khi ngủ có thể chỉ là cơn ác mộng với nhiều người. Tuy nhiên, đó lại là thực tế hoàn toàn có thể xảy ra với người sống ở thị trấn Shoyna. Nơi này được xem là "thị trấn sa mạc" bởi nó bị bao quanh bởi những cồn cát trải dài 10 km dọc theo bờ biển. Hiện tượng sa mạc hóa kết hợp cùng gió biển khiến những ngôi nhà ở Shoyna có nguy cơ bị nhấn chìm bởi cát bất kỳ lúc nào.
Người dân ở đây đã học được cách thích nghi để tồn tại với thực tế khắc nghiệt đó. Họ không bao giờ đóng cửa khi ngủ vì sợ những đụn cát sẽ chắn hết lối ra. Việc quét dọn cát hoàn toàn vô ích trước hiện tượng sa mạc hóa trầm trọng ở đây. Một số người trong thị trấn chọn công việc "đào nhà" bởi tình trạng cát lấp xảy ra thường xuyên.
Hiện nay, thị trấn chỉ có khoảng 300 dân cư.
Ban đầu, Shoyna được kỳ vọng trở thành một cảng cá lớn. Thực tế, có thời điểm, nơi đây từng là khu định cư ven biển đông đúc. Các tàu đánh cá neo đậu dọc bờ biển để khai thác lượng hải sản dồi dào từ Biển Trắng. Tuy nhiên, việc đánh bắt quá mức khiến tình hình buôn bán ở Shoyna không còn như xưa.
Từ những năm 1950, việc đánh bắt cá bắt đầu suy giảm. Và tới khoảng trước năm 2000, tình trạng sa mạc hóa bắt đầu diễn ra trầm trọng. Nhiều nhà nghiên cứu đã tới Shoyna để tìm hiểu về hiện tượng và cách ngăn chặn cát xâm thực.
Jan Gunnar Skjeldsøy, một kiến trúc sư người Na Uy, đã có những ghi chép về nguyên nhân đẩy Shoyna thành ngôi làng cát. Anh viết: "Đó là hậu quả từ những gì trong quá khứ. Việc đánh bắt vô tội vạ trong nhiều năm đã làm mất cân bằng của hệ sinh thái. Họ khiến đáy đại dương bị vét sạch sẽ. Không còn sự đa dạng của sinh vật biển, tính cân bằng cũng bị phá vỡ".
"Cơn thịnh nộ" từ đáy đại dương bắt đầu tiến vào bờ. Từ những năm 1990, cát bắt đầu nổi lên từng đợt và nhấn chìm một ngôi nhà chỉ sau một đêm. Ngoài ra, các câu chuyện chính trị cũng khiến thị trấn này gặp phải nhiều vấn đề khác. Jan Gunnar Skjeldsøy gọi đó là "ngày tàn của những cư dân ở thị trấn hẻo lánh này".
Không có tuyến đường bộ hay đường sắt kết nối ngôi làng với thế giới bên ngoài. Những người từ bên ngoài chỉ có thể tới đây bằng đường biển hoặc đường hàng không.
Khó khăn trong việc di chuyển và hạn chế về mặt tự nhiên khiến người dân làng không có nhiều lựa chọn việc làm. Nhiều người sống nhờ trợ cấp thất nghiệp, lương hưu. Số khác tiếp tục lao động bằng nghề đào cát, săn ngỗng.
Theo Zing