Đừng gây áp lực cho con
Gia đình - Ngày đăng : 15:19, 03/10/2022
Lớp 1 là năm học đầu tiên các con chuyển từ hệ mầm non sang tiểu học. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ chấm điểm lớp 1, cấm dạy thêm, ngưng học hè, nhiều cha mẹ vẫn đặt áp lực vô hình lên vai con.
Một số bậc phụ huynh thậm chí kỳ vọng con đọc thông viết thạo, biết cộng trừ nâng cao, “bắn” tiếng Anh như gió với tâm lý sợ con không theo kịp bạn bè. Họ cũng bị ảnh hưởng tâm lý từ các “trào lưu” cho con học trước chương trình.
Áp lực mang tên “con nhà người ta”
Câu chuyện “ép học sớm” quen thuộc của không ít gia đình được tái hiện thông qua nhân vật người mẹ trong tập phim “Kỳ vọng - động lực hay áp lực cho con?” ra mắt vào mùa tựu trường năm nay, thuộc chương trình giáo dục cộng đồng Sinh con, sinh cha.
Tập phim được thực hiện với mong muốn giúp cha mẹ sớm nhận ra sai lầm bắt con “chín ép”, đồng thời mang đến những lưu ý hữu ích giúp cha mẹ trở thành người bạn đồng hành giúp con học tập tốt trong năm học mới.
Theo Sinh con, sinh cha, mục đích của việc đến trường là để con khám phá điều mới mẻ. Con chưa biết nên háo hức chờ thầy cô dạy, việc cha mẹ dạy trước có thể khiến con đánh mất đi hứng thú, động lực học tập. Hệ lụy này có thể kéo dài đến những lớp học, bậc học cao hơn, ngay cả khi trẻ đã trưởng thành và bước vào môi trường làm việc.
Sinh con, sinh cha tập 4 còn mô tả chân thật “thất bại” của những cha mẹ kèm con học, tay chỉ vào vở, mặt đằng đằng sát khí, cau có quát lớn… Đa số họ đều nổi đóa và mất kiểm soát khi kèm con học trong khi các bé không hợp tác hoặc ít hứng thú.
Khi trẻ bị áp lực và sợ hãi, não bộ tự động tiết ra hormone gây ức chế thần kinh khiến con không thể nghĩ hoặc nhớ thêm điều gì. Việc học trở nên không hiệu quả, nặng nề, chán nản, thậm chí là đáng sợ và cứ nhắc đến học là "công tắc" cảm xúc tiêu cực trong trẻ sẽ tự động bật lên. Trẻ cứ ngồi vào bàn học là ngáp, buồn ngủ, buồn đi vệ sinh, đói… Bên cạnh đó, cơ thể và não bộ của trẻ còn trong giai đoạn phát triển nên học quá sức dễ khiến trẻ quá tải, mệt mỏi.
Sát cánh, tạo động lực cho “con nhà mình”
Với sự tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật, học tập không chỉ gói gọn trong một khối học, cấp học mà là hành trình trọn đời của trẻ. Vậy nên điều cha mẹ - những “thầy cô đầu đời” - cần làm là truyền cảm hứng học tập chủ động, hình thành tư duy “học tập trọn đời” cho con. Đây là yếu tố quan trọng cho sự thành công của con trong kỷ nguyên 4.0 với nhiều thay đổi liên tục và nhanh chóng.
Cha mẹ cần dành thời gian tìm hiểu để thấu hiểu và có những mong đợi phù hợp về hành vi, cảm xúc cũng như khả năng học tập, tiếp thu của trẻ ở từng độ tuổi. Cha mẹ không nên đi theo một cách mù quáng các trào lưu giáo dục, thay vào đó là thường xuyên quan sát, trò chuyện, lắng nghe, chia sẻ để biết thực lực con ở đâu, kỳ vọng bao nhiêu là đủ, đam mê và thế mạnh của con là gì… Từ đó, các bậc phụ huynh có thể hỗ trợ, đồng hành và khuyến khích con phát triển hết tiềm năng.
Để lớp 1 là điểm khởi đầu háo hức, 12 năm phổ thông là hành trình gieo tri thức đẹp đẽ và trao con chìa khóa thành công của tư duy “học tập trọn đời”, cha mẹ hãy sẵn sàng làm bạn đồng hành với con. Thời gian con học ở nhà, cha mẹ nên nhắc nhở nhẹ nhàng và tạo hứng thú với việc học; thường xuyên khích lệ, động viên con sau những tiến bộ lớn nhỏ. Đây là cách giúp con cảm thấy được yêu thương và có thêm cảm hứng học tốt.
Sinh con, sinh cha là chương trình giáo dục cộng đồng về làm cha mẹ được biên soạn, xây dựng bởi Generali Việt Nam và Quỹ Bảo trợ Trẻ em, tham khảo tài liệu từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF). Bước sang mùa thứ hai, chương trình tiếp tục triển khai chuỗi tiểu phẩm giáo dục trực tuyến cùng nhiều nội dung chất lượng trên fanpage và nhóm cộng đồng, hỗ trợ hàng triệu phụ huynh trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái, giúp các em lớn khôn, phát triển tiềm năng trong vòng tay yêu thương của gia đình và cộng đồng.
Theo Zing