Ca đậu mùa khỉ đầu tiên ở Việt Nam mắc từ nước ngoài
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 18:00, 03/10/2022
Ông Phan Trọng Lân, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thông tin về ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Việt Nam
"Khó có thể xảy ra lây lan trong cộng đồng"
Ông Phan Trọng Lân - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết ngày 18.9, bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng ở nước ngoài, ngày 22.9 người này về Việt Nam, đến ngày 23.9 đã được tư vấn và chủ động giám sát cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh (TP HCM).
"Trường hợp này đã được giám sát chủ động, những người có tiếp xúc đều đã được giám sát và đến nay những người này đều âm tính", ông Lân nói và cho biết đến nay những người có tiếp xúc với bệnh nhân đều đã được khoanh vùng, và nhận định khó có thể xảy ra lây lan trong cộng đồng.
Trước đó, ngày 3.10, Bộ Y tế nhận được báo cáo của Sở Y tế TP.HCM về kết quả xét nghiệm giải trình tự gene khẳng định một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng Monkeypox vi rút thuộc clade IIb - bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận đầu tiên ở Việt Nam.
Bệnh nhân nữ 35 tuổi, thường trú TP.HCM, khởi phát bệnh ngày 18-9 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7-2022, đến ngày 22-9 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.
Ngay sau khi về Việt Nam, ngày 23-9, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ và nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Tại đây, bác sĩ khám, nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, bệnh nhân được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán (xét nghiệm Realtime PCR tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Viện Pasteur TP.HCM).
Ngày 25-9, bệnh nhân có kết quả ban đầu dương tính với bệnh đậu mùa khỉ và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp tục cách ly, điều trị và lấy mẫu giải trình tự gene tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường đại học Oxford hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Ngay khi nhận được thông tin bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khẩn trương làm xét nghiệm giải trình tự gene và tiếp tục điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, cách ly, điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Hiện tại, bệnh nhân sức khỏe ổn định, không sốt, đang được tiếp tục cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Với những thông tin khai thác được qua điều tra dịch tễ, cùng với kết quả xét nghiệm Realtime PCR, giải trình tự gene, Bộ Y tế nhận định đây là trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, có nguồn lây từ nước ngoài; các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Việt Nam (kể từ khi về nước) đều được giám sát, theo dõi theo quy định và hiện chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm.
Sẵn sàng thuốc, nhân lực phòng, chống đậu mùa khỉ
Ngày 3.10, Bộ Y tế có gửi công văn khẩn số 5470/BYT-DP đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Theo đó, Bộ Y tế nhận định từ tháng 5-2022 đến nay, dịch bệnh đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Ngày 23-7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.
Đến ngày 26-9, thế giới ghi nhận 64.561 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 105 nước trên thế giới. Trong đó, khu vực Tây Thái Bình Dương có một số nước ghi nhận ca bệnh gồm: Úc (132), Singapore (19), Trung Quốc (5), New Zealand (5), Nhật Bản (4), Philippines (4), Hàn Quốc (2), Guam (1), New Caledonia (1).
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới và tại một số nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ và các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cụ thể là chuẩn bị sẵn sàng công tác phòng, chống dịch tại địa phương: Đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến.
Đảm bảo việc thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế.
Rà soát cập nhật kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí.
Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, khi ghi nhận trường hợp bệnh đề nghị các đơn vị khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.
Đồng thời, tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.
Đẩy mạnh truyền thông minh bạch, bằng nhiều hình thức cho người dân về các biện pháp dự phòng dịch bệnh tại các cửa khẩu, cộng đồng về dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Phân biệt giữa bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu Bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo - trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu (TP.HCM) - cho biết mặc dù là một căn bệnh xuất xứ từ châu Phi, tuy nhiên với sự lan rộng của dịch bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, việc nhận diện được các dấu hiệu bệnh kịp thời là hết sức quan trọng. Điểm giống nhau giữa bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu đều là bệnh truyền nhiễm, cấp tính do vi rút, đều lây qua tiếp xúc giọt bắn hô hấp kích thước to, tiếp xúc dịch tiết sang thương, và lây gián tiếp qua tiếp xúc đồ vật của người nhiễm bệnh. Một số điểm khác nhau về tổn thương da cần lưu ý như sau: Đậu mùa khỉ phát ban mụn nước, mụn mủ cùng thời điểm, diễn tiến chậm, xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cơ quan sinh dục, hậu môn, có thể gặp ở niêm mạc mắt, miệng, để lại sẹo. Tổn thương thường lớn hơn thủy đậu. Đặc biệt, bệnh nhân có sốt và nổi hạch toàn thân. Thủy đậu cũng là phát ban nhưng các tổn thương xuất hiện thời gian khác nhau, diễn tiến nhanh, xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra khắp cơ thể, thường ít để lại sẹo. Tổn thương nhỏ hơn đậu mùa khỉ. Bệnh nhân có sốt, mệt mỏi. |
THU HIẾN