Viên chức mong... lương phụ hồ
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:00, 05/10/2022
Tiền lương trong khu vực nhà nước đang có khoảng cách khá xa so với thị trường lao động ngoài nhà nước. Ảnh minh họa
Cuối tuần vừa rồi, tôi có dịp trò chuyện cùng anh thợ cắt tóc ở quê. Trong rất nhiều chuyện, điều làm tôi suy nghĩ nhất là khi anh cho rằng bây giờ nhiều công chức, viên chức có lẽ đang ước có thu nhập bằng người phụ hồ.
Theo anh thợ cắt tóc, ở quê hiện nay mỗi ngày người phụ hồ được trả công 350.000 đồng. Chỉ cần làm đủ 22 ngày công (mỗi ngày 8 giờ), nghỉ thứ bảy, chủ nhật như công chức, viên chức thì thu nhập của người phụ hồ đã là 7,7 triệu đồng/tháng. Trong khi để làm phụ hồ thì rất đơn giản vì chỉ cần có sức khỏe, đủ 18 tuổi là có thể có được thu nhập đó. Còn để trở thành công chức, viên chức đòi hỏi phải tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trải qua các kỳ thi tuyển rất khó khăn, rất tốn kém. Khi trở thành công chức, viên chức, với mức lương được Nhà nước trả theo ngạch bậc như hiện nay thì lương mỗi tháng của một người trong 3 năm đầu tiên chỉ trên 3 triệu đồng (bao gồm cả các khoản phụ cấp độc hại, đặc thù). Nếu không có thành tích nổi trội để được tăng lương trước hạn thì nhiều công chức, viên chức đến lúc về hưu cũng không đạt được mức lương 7,7 triệu đồng/tháng.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 1.10 vừa qua, theo Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm (năm 2020, 2021 và 6 tháng đầu năm 2022), cả nước có 39.552 công chức, viên chức ở các bộ, ngành và địa phương nghỉ việc. Những con số này đang thực sự làm cho xã hội hết sức quan tâm. Đây cũng là hồi chuông đáng báo động với toàn xã hội, bởi nếu Đảng và Nhà nước không sớm có những cơ chế, chính sách, nhất là chính sách về tiền lương phù hợp, kịp thời thì con số công chức, viên chức xin nghỉ việc sẽ không dừng lại trong thời gian tới.
Trở lại với chuyện thu nhập của người phụ hồ và công chức, viên chức nêu trên cho thấy tiền công, tiền lương trong khu vực nhà nước đang có một khoảng cách khá xa so với thị trường lao động ngoài nhà nước. Có thể khẳng định, đồng lương của công chức, viên chức hiện nay đang không thể nuôi sống chính họ chứ chưa nói đến việc nuôi con, mua xe, nhà đất... Có không ít người cho rằng, sao lương thấp như thế mà các kỳ thi tuyển công chức, viên chức lúc nào cũng rất khó khăn, không phải ai cũng có thể vào được. Rằng rất nhiều người vẫn muốn cho con cái họ vào làm trong nhà nước bằng mọi giá, thậm chí bằng cả những hình thức tiêu cực, chạy chọt. Rồi cũng có ý kiến công chức, viên chức ai sống bằng lương...
Xin thưa rằng, trong số người muốn thi tuyển vào Nhà nước hiện nay, có không ít người vào theo mong muốn của gia đình, bố mẹ. Bởi gia đình họ có mấy đời làm công chức, họ muốn con họ có công việc ổn định, không phải bon chen nhiều. Thậm chí có gia đình cho con vào làm trong nhà nước để gần nhà, dễ quản lý, còn thu nhập không thành vấn đề. Hoặc có người xác định vào nhà nước cho ổn định, để có chỗ dựa, còn thu nhập thì từ các mối quan hệ trong công việc họ sẽ có điều kiện làm thêm… Nhiều người vẫn sính nhà nước không cần lý do. Nhưng nếu một gia đình có thu nhập trung bình và đã phải đầu tư cho con học hết 3 năm THPT, cũng như đại học, cao đẳng thì có lẽ khi trông vào đồng lương nhà nước chi trả hiện nay, chắc chắn sẽ động viên con đi làm cho các doanh nghiệp tư nhân hay nước ngoài.
Hơn lúc nào hết, Đảng và Nhà nước nên sớm có những thay đổi kịp thời trong cải cách chính sách tiền lương cho đội ngũ công chức, viên chức. Bởi dù cơ quan chuyên môn đưa ra rất nhiều lý do giải thích cho việc công chức, viên chức nghỉ việc thời gian qua nhưng ai cũng hiểu rằng cái gốc vẫn chính là chế độ, chính sách tiền lương. Nếu thu nhập không bảo đảm cuộc sống thì giữ chân người làm được việc trong nhà nước đã khó chứ chưa nói đến thu hút được người giỏi hay nhân tài. Thứ nữa là phải cải thiện môi trường làm việc.
VŨ ÚY