Phụ huynh rối vì các ứng dụng nộp học phí

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 19:01, 06/10/2022

Trường của hai con sử dụng hai ứng dụng thu tiền khác nhau, có lần trong lúc vội vàng, chị Linh suýt nộp tiền của con lớn sang cho con nhỏ vì nhầm ứng dụng.

Sau buổi họp phụ huynh đầu năm cho hai con trai lớp 3 và 10, chị Lê Thị Linh, 42 tuổi, thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), được hướng dẫn cài đặt ứng dụng nộp học phí và các khoản đóng góp. "Mọi việc không có gì đáng nói nếu hai trường không yêu cầu cài hai ứng dụng khác nhau", chị Linh nói.

Bà mẹ hai con cho biết dù cùng để nộp tiền, mỗi ứng dụng lại có giao diện và các thao tác riêng, khiến chị lúng túng và thấy mất thời gian học cách sử dụng. Có lần, trong lúc vội vàng, chị suýt nộp nhầm tiền của con trai lớn sang cho con nhỏ vì vào nhầm ứng dụng. "Phụ huynh đều có tài khoản ngân hàng, sao không để chúng tôi chuyển khoản cho trường, ghi đầy đủ họ tên, lớp của học sinh mà phải cài thêm ứng dụng?", chị Linh đặt câu hỏi.

Cùng với đó, sau lần bị hack Facebook cá nhân, chị Linh cảnh giác hơn trong việc sử dụng các ứng dụng công nghệ và bảo mật thông tin. Chị cho biết tên hai ứng dụng thanh toán học phí "nghe lạ lạ". Khi cài đặt, chị cũng phải điền nhiều thông tin cá nhân nên người mẹ "hơi lo lắng về vấn đề bảo mật".

Theo hướng dẫn ngày 23.8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đề nghị 100% các trường công lập "không để phụ huynh phải đến trường để thanh toán học phí và các khoản thu khác". Sở yêu cầu các trường đa dạng hóa các kênh thanh toán để phụ huynh, học sinh có nhiều lựa chọn, không tạo lợi thế cho bất kỳ ngân hàng hoặc đơn vị trung gian, tăng cường quản lý dữ liệu, bảo đảm an toàn thông tin.


Một ứng dụng trung gian được nhiều trường sử dụng để thanh toán học phí và các khoản thu. Ảnh chụp màn hình

Không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, hoạt động nộp học phí không dùng tiền mặt được các trường triển khai dựa trên chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cuối tháng 6, bộ đã gửi hướng dẫn, yêu cầu các trường phối hợp với các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan để thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác theo hình thức trực tuyến.

Với kinh nghiệm hai năm áp dụng thu học phí không tiền mặt, bà Teo Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Hà Đông (Hà Nội), chia sẻ với nỗi lo của những phụ huynh như chị Linh, khẳng định đây là những băn khoăn chính đáng.

"Khi công nghệ thông tin càng phát triển, các hình thức lừa đảo, lấy cắp thông tin trên mạng cũng tinh vi hơn, phụ huynh thận trọng khi cài thêm ứng dụng, chỉ muốn trung thành với 1-2 ứng dụng thanh toán uy tín là dễ hiểu. Do đó, khi liên kết và sử dụng với bất kỳ nhà cung cấp nào, các trường cần xem xét kỹ hồ sơ năng lực và các điều khoản về bảo mật thông tin", bà Mai nói.

Dù vậy, hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho rằng phụ huynh nên chia sẻ và thông cảm với cái khó của trường khi phải thu và quản lý nhiều khoản tiền của hàng nghìn học sinh. Nếu để phụ huynh chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng cá nhân đến tài khoản của trường, dù nội dung có ghi rõ họ tên và lớp của học sinh, trường vẫn cần một người đọc, tìm và đánh dấu em đó đã nộp. Bà Mai nhận định việc này mất thời gian, tốn nhân lực và rất dễ sai sót.

Bà cho rằng cũng không thể đòi hỏi các trường dùng chung một ứng dụng hoặc hình thức thanh toán. Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, thành phố cho phép các trường kêu gọi xã hội hóa, chủ động chọn nhà cung cấp phù hợp. "Nếu chỉ dùng một nền tảng, chúng ta vô tình trao cho họ thế độc quyền, tốt xấu gì cũng phải sử dụng. Việc đa dạng lựa chọn sẽ tạo thế cạnh tranh, khiến các đơn vị hoàn thiện sản phẩm và tăng các gói ưu đãi", bà Mai nói.

Tuy nhiên, đa dạng lựa chọn không có nghĩa một trường dùng nhiều hình thức thu tiền trực tuyến, theo bà Mai. Điều này nghe thì lý tưởng nhưng khó thực hiện. Khi đó, trường sẽ phải truy xuất dữ liệu từ nhiều nguồn, vẫn cần người ráp nối thông tin để xem còn thiếu học sinh nào. "Trường chúng tôi hơn 2.000 học sinh, mỗi em 500.000 đồng tiền bán trú đã là một tỷ, không thể đếm thủ công, dễ bị thất thoát và thiệt hại cho cả hai bên", bà Mai nói.

Theo bà, cách làm hiệu quả nhất là sử dụng một hệ thống thu tiền trực tuyến trên quy mô toàn trường. Hai năm nay, trường sử dụng một ứng dụng trung gian, hỗ trợ phụ huynh chuyển tiền tới tài khoản ngân hàng của trường. Ứng dụng này đã chia sẵn từng lớp, phụ huynh chỉ cần nhập mã học sinh và số tiền cần nộp. Ngay trong ngày, trường sẽ nắm được tỷ lệ nộp và những học sinh nào còn thiếu.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực thu, chi đã được một số trường như Lê Quý Đôn áp dụng vài năm. Sau Covid-19, hoạt động này được bộ và các địa phương chủ trương hóa để triển khai diện rộng nhằm giảm thủ tục hành chính, tránh tập trung đông người khi nộp tiền mặt và giảm nguy cơ nhầm, lẫn, thất thoát tiền.

Tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là khu vực nông thôn, 2022-2023 là năm học đầu tiên hình thức nộp học phí không tiền mặt được áp dụng. Do đó, ngoài nỗi lo về bảo mật như chị Linh, nhiều phụ huynh lúng túng vì không biết tải và sử dụng các phần mềm thanh toán, hoặc không có điện thoại thông minh để làm được việc này.

Chị Hạnh, 47 tuổi (sống tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội), rơi vào trường hợp này. Chị có ba con, lần lượt học mầm non, tiểu học và THCS. Sau gần một năm các con học online vì Covid-19, chiếc điện thoại "thông minh" duy nhất trong nhà bị chai pin, hỏng màn hình. Xin được họ hàng cái "cục gạch" đã mờ hết bàn phím, chị Hạnh dùng để nghe gọi là chủ yếu, vì "không nhìn thấy gì để nhắn tin".

Khi nghe cô giáo phổ biến việc nộp học phí và các khoản thu theo hình thức trực tuyến, chị Hạnh hoang mang. "Trước giờ tôi chỉ nộp trực tiếp cho cô chủ nhiệm nên không biết sắp tới sẽ như nào", chị nói.

Bà Trần Thị Thanh Huế, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn (Hà Nội), cho rằng những phụ huynh gặp khó khăn về thiết bị, chưa biết sử dụng ứng dụng nên chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm để được hỗ trợ thu tiền mặt. Theo bà, những phụ huynh như chị Hạnh chiếm khoảng 30-40% tại các huyện, thị ngoại thành Hà Nội. Việc vùng nông thôn đạt tỷ lệ 100% phụ huynh tham gia hoạt động thanh toán học phí và các khoản thu trực tuyến là "khó khăn".

Bà Huế nhận định hoạt động nộp tiền trực tiếp cho giáo viên chủ nhiệm đã duy trì hàng chục năm, nên phụ huynh cũng cần thời gian để hiểu những ưu điểm và làm quen với hình thức mới. "Trong giai đoạn đầu triển khai, nhà trường và giáo viên cần hỗ trợ thu tiền mặt với các phụ huynh không có thiết bị hoặc từ chối sử dụng dịch vụ này; rồi dần dần thuyết phục họ", bà Huế nói và nhận định để có thể đạt 90-100% phụ huynh đồng thuận và tham gia, các trường cần khoảng 2 năm.

Từ góc độ quản lý, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn khẳng định không lấy tỷ lệ phụ huynh tham gia nộp học phí trực tuyến làm tiêu chí thi đua, đánh giá các trường. Cùng với đó, dù không chỉ định một nhà cung cấp cụ thể, phòng cũng yêu cầu trường học phải chọn các đơn vị được cấp phép, bảo đảm cơ sở pháp lý và có các điều khoản bảo mật thông tin để phụ huynh yên tâm sử dụng.

Hai năm trước khi mới sử dụng ứng dụng thu tiền trực tuyến, hiệu trưởng Teo Thị Thanh Mai cũng nhận được những phản hồi trái chiều từ phụ huynh. Trong trường hợp này, bà Mai cho rằng nhà trường và giáo viên cần kiên nhẫn, hỗ trợ phụ huynh tối đa bằng cách cài giúp và hướng dẫn sử dụng ứng dụng, tiếp nhận tiền mặt, đồng thời chia sẻ về những lợi ích mà hình thức mới mang lại.

Ngoài ra, các trường nên duy trì sử dụng ổn định một nền tảng, tránh việc mỗi năm lại bắt phụ huynh cài đặt thêm ứng dụng mới. "Hiện, hoạt động này tại trường Lê Quý Đôn diễn ra nhịp nhàng với 100% phụ huynh tham gia", bà Mai nói và hy vọng hình thức thanh toán không tiền mặt sẽ sớm thu được hiệu quả trên diện rộng.

Theo VnExpress