Bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:00, 07/10/2022

Việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cần tiếp tục triển khai qua đó hỗ trợ tích cực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản...

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hải Dương

Sáng 6.10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch; chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025.

Các đồng chí: Trần Thanh Nam, Thứ trưởng NN&PTNT; Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương có đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.

Theo Quyết định số 924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nông thôn trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của tiêu chí số 15 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao. Có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM; 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về Kinh tế, 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số. Phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: Ít nhất 70% xã có các HTX, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số...

Theo Quyết định số 925/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; bảo đảm cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn...

Phát biểu khai mạc hội nghị tại điểm cầu Hà Nội, Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục triển khai việc cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn gắn với việc xử lý chất thải trong sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực nông thôn. Đồng thời, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai thực hiện trong xây dựng NTM trong giai đoạn tới nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số trong xây dựng NTM cần tiếp tục triển khai qua đó hỗ trợ tích cực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản, xây dựng chính quyền điện tử...

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hải Dương, tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại TP Hải Dương đạt khoảng 95%; tỷ lệ này ở khu vực đô thị khác đạt 80-85%. Rác thải của các thị trấn còn lại được đem chôn lấp tại các bãi chôn lấp tập trung. Đối với khu vực nông thôn, tỷ lệ thu gom, xử lý đạt khoảng 79%, còn lại do các gia đình tự thu gom. Rác thải sinh hoạt nông thôn được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải y tế đạt khoảng 99,95%, đối với chất thải nguy hại đạt khoảng 99,45%.

Công tác giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên. Các cơ sở chăn nuôi, hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cơ bản bảo đảm quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Các sản phẩm nông sản chủ lực được thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo đúng quy định, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng nhận.

Toàn tỉnh hiện có 73 nhà máy nước sạch đang hoạt động, tổng công suất 160.750 m3/ngày đêm. 100% công trình cấp nước tập trung có tổ chức quản lý, khai thác hoạt động bền vững. 403.317 hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung, đạt tỷ lệ 90,75%.

Về xây dựng chính quyền số, hiện 100% các sở, ban, ngành, địa phương đã xây dựng mạng nội bộ kết nối; tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức đạt 100%. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh (LGSP) hoạt động từ ngày 1.10.2019, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức, liên thông tác nghiệp nghiệp vụ. Nền tảng này đã kết nối thành công với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); kết nối, tích hợp với phần mềm, hệ thống của nhiều bộ, ngành Trung ương như lý lịch tư pháp, hộ tịch điện tử, quản lý đầu tư nước ngoài, cấp mã số đơn vị ngân sách… Hệ thống thư điện tử công vụ hoạt động ổn định, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, 90% cán bộ, công chức cấp xã thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ trong công việc.

Về kinh tế số, 10.179/10.277 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nộp thuế điện tử, đạt 99%. Gần 109.000 hộ sản xuất nông nghiệp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, gần 158.000 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, hơn 1.500 sản phẩm của tỉnh được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Phát sinh gần 30.500 giao dịch trên các sàn thương mại điện tử liên quan đến các hộ sản xuất nông nghiệp trong tỉnh, giúp Hải Dương đứng thứ 7 toàn quốc về lượng giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Về phát triển xã hội số, thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng của tỉnh được tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số thông qua bồi dưỡng trực tiếp, nền tảng học trực tuyến mở đại trà (onetouch), nền tảng By Day Learning (do Học viện Viettel phát triển). Toàn tỉnh có hơn 2,1 triệu thuê bao di động, hơn 1,5 triệu thuê bao internet băng rộng, gần 350.000 hộ gia đình có đường truyền internet cáp quang băng rộng, đạt tỷ lệ 61,17%...

PV - QĐND