Dừng dự án BOT “tráng trứng", xóa bất cập
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 07:55, 07/10/2022
Chưa lường trước được bất cập, phát sinh
Thứ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm cho biết, các bất cập, vướng mắc của dự án BOT/trạm thu phí qua rà soát đến nay có tổng cộng khoảng 10 dự án, trong đó có 8 dự án do vỡ phương án tài chính, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ sắp xếp ngân sách để trả cho nhà đầu tư, chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn. “Thủ tục xử lý từng dự án/trạm thu phí và phương án xử lý các dự án BOT còn lại hiện Bộ GTVT đang giao cho Cục Đường cao tốc phối hợp với các đơn vị có liên quan như Cục Đường bộ đưa ra các phương án, nội dung, lộ trình thực hiện phù hợp”, ông Lâm thông tin.
Đề cập những vướng mắc dẫn đến 8 dự án vỡ phương án tài chính khiến Bộ GTVT phải đề xuất chi 13.115 tỷ đồng để mua lại (báo cáo giải pháp gửi Chính phủ do chính ông Nguyễn Duy Lâm ký), ông cho biết, có 4 nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này.
Thứ nhất, pháp luật về đầu tư theo hình thức BOT giai đoạn này (2010 - 2017) còn nhiều tồn tại, bất cập chưa thể lường trước; bản thân người hoạch định chính sách, người tổ chức thực hiện chính sách chưa lường trước được những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện. Vì vậy, dù quá trình triển khai dự án BOT và đặt trạm thu phí BOT đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định nhưng khi đưa vào khai thác và thu phí đã xuất hiện tình trạng người dân tụ tập phản đối, không cho thu phí, gây mất an ninh trật tự.
Trong nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV năm 2022, Quốc hội yêu cầu: “Trong năm 2022 phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí, dự án BOT”. Về việc này, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, bộ đang thực hiện các giải pháp, trong đó có việc trình phương án chấm dứt hợp đồng BOT với 8 dự án. Kế hoạch đang đáp ứng tiến độ yêu cầu của Quốc hội đề ra.
Thứ hai, quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế có nhiều biến động. Một số quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, miền có sự điều chỉnh về vị trí, quy mô, tiến độ thực hiện... dẫn đến biến động lớn giữa số liệu về lưu lượng xe lưu thông thực tế so với số liệu dự báo nhu cầu vận tải khi ký hợp đồng BOT trước đây. Đặc biệt, tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 trong những năm vừa qua đã dẫn đến sụt giảm về nguồn doanh thu, hiệu quả tài chính của dự án BOT.
Do thu phí không đạt kế hoạch, nhà đầu tư dự án BOT Chợ Mới – Bắc Kạn muốn trả lại dự án Ảnh: PV
Thứ ba, trong quá trình khai thác dự án BOT, do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, một số địa phương đã đầu tư làm các tuyến đường ngang hoặc song song với đường thuộc dự án BOT bằng nguồn ngân sách nhà nước dẫn đến hiện tượng phân tán lưu lượng xe, gây sụt giảm doanh thu các dự án BOT. Sự sụt giảm doanh thu của dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì, dự án BOT cải tạo nâng cấp quốc lộ 91 thành phố Cần Thơ, dự án BOT nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đăk Lăk... là những ví dụ điển hình.
Thứ tư, việc tăng phí theo lộ trình ghi trong hợp đồng BOT chưa được thực hiện, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh thu của nhiều dự án không đạt.
Dừng 11 dự án BOT “tráng trứng” mặt đường
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, những bất cập nêu trên đã gây bức xúc cho người sử dụng dịch vụ, đặc biệt là người dân sinh sống gần khu vực đặt trạm thu phí. Nhiều người dân đã tụ tập phản đối, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu phí, hoàn vốn cho dự án BOT. Trong số này, một số dự án đã đưa vào khai thác 3 - 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa được thu phí hoàn vốn, chưa thu được đồng nào.
Cùng với đó, những bất cập, vướng mắc này còn gây phát sinh nợ xấu, khiến nhà đầu tư đứng bên bờ vực bị phá sản. Với môi trường đầu tư dự án BOT, thực tế trên tạo nên tâm lý “quan ngại” cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trong việc tiếp tục tham gia dự án PPP mới.
Đến nay, Bộ GTVT đã rà soát và phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung xử lý, giải quyết triệt để những vướng mắc, bất cập tại những dự án BOT. Việc này nhằm bảo đảm quyền, lợi ích các bên theo hợp đồng đã ký, tạo điều kiện khơi thông và thu hút nguồn lực xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng.
Với hơn 70 dự án BOT mà Bộ GTVT đã phê duyệt triển khai và đang quản lý, bộ này đã rà soát, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư, thống nhất giải pháp xử lý, đưa 14 trạm thu phí vào hoạt động bình thường. Đến nay, còn 8 dự án tồn tại nhiều vướng mắc, trong số này có 4 trạm thu phí BOT chưa xử lý bất cập về vị trí nên chưa được thu, trong đó có: trạm Bỉm Sơn trên quốc lộ 1 (Thanh Hóa), trạm Bờ Đậu trên quốc lộ 3 (Thái Nguyên), trạm Sơn La - Túy Loan trên cao tốc Bắc - Nam (Thừa Thiên Huế); 4 dự án BOT sụt, giảm doanh thu, dẫn đến phá vỡ phương án tài chính.
“Thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan nghiên cứu nhiều giải pháp xử lý bất cập và tháo gỡ khó khăn cho các trạm thu phí/dự án BOT nêu trên, thế nhưng tất cả đều không bảo đảm hiệu quả về tài chính và tính khả thi để triển khai thực hiện. Do vậy, để xử lý dứt điểm những vướng mắc, bất cập tại các trạm thu phí/dự án BOT này, Bộ GTVT đã đề xuất giải pháp cần bố trí vốn nhà nước để hỗ trợ, thanh toán các khoản chi phí đầu tư cho doanh nghiệp”, lãnh đạo Bộ GTVT nói.
Với các dự án BOT mới, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, do có bất cập phát sinh nên bộ đã rà soát tổng thể các dự án chuẩn bị đầu tư, dự án mới ở giai đoạn ký kết hợp đồng; đánh giá bất cập của từng dự án. Bộ GTVT đã chủ động dừng 11 dự án đầu tư trên đường giao thông đã có sẵn (một hình thức cải tạo đường giao thông- PV).
Cụ thể, trong số này có các dự án chuẩn bị đầu tư, gồm: Dự án làm quốc lộ 45 và quốc lộ 47 tỉnh Thanh Hóa, dự án làm quốc lộ 14B Đà Nẵng - Quảng Nam, dự án quốc lộ 37 Bắc Ninh - Thái Nguyên, dự án quốc lộ 37 tỉnh Hải Dương, dự án quốc lộ 62 Long An, dự án quốc lộ 6 Cao Phong - Tân Lạc tỉnh Hòa Bình.
Theo Tiền phong