Cuốn sách khảo cứu công phu về nơi “nhất gia bán thiên hạ”
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 10:15, 08/10/2022
Sách "Mộ Trạch làng tiến sĩ" được lưu trữ tại Thư viện tỉnh
Làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang) là làng tiến sĩ “độc nhất vô nhị” của nước ta. “Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ” (một làng Mộ Trạch người tài bằng nửa cả nước) với 36 tiến sĩ đại khoa kể từ thời nhà Trần đến thế kỷ XVIII. Với mong muốn khảo cứu một làng tiến sĩ nổi tiếng đất nước, Ban Biên tập cuốn sách gồm Hội đồng Nghiên cứu biên soạn lịch sử tỉnh Hải Dương cùng với ông Vũ Huy Phủ (sinh năm 1917, người làng Mộ Trạch), từng là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Bình Giang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương đã bỏ nhiều công sức đi nhiều nơi, biên soạn, tập hợp, sao dịch nhiều nguồn tư liệu trong thời gian dài để hoàn thành cuốn sách "Mộ Trạch làng tiến sĩ". Cuối năm 1997, cuốn sách được xuất bản.
Sách được trình bày khoa học, giản dị và cô đọng về địa lý, lịch sử, phong tục tập quán, đặc biệt là tiểu sử 36 tiến sĩ và những danh nhân trên các lĩnh vực của làng Mộ Trạch. Dưới thời phong kiến, Mộ Trạch có số người đỗ đại khoa đứng đầu cả nước tính theo đơn vị làng xã. Ban Biên tập cũng đi theo mạch kể chuyện các chương từ sự ra đời của ngôi làng đến địa lý, lịch sử, con người… nơi đây.
Theo cuốn sách, làng Mộ Trạch do thần tổ là Vũ Hồn - người lập ra với tên gọi ban đầu là ấp Khả Mộ. Ông là người Trung Quốc, khí vẻ hiên ngang, mày vua Nghiêu, mắt vua Thuấn, lưng vua Vũ, 16 tuổi dự thi đình, khoa Canh Tý 820 được nêu bảng Vàng. Năm Ất Tỵ, niên hiệu Bảo Lịch thứ nhất, tức năm 825 vua Đường Kính Tôn thăng chức cho ông là thứ sử Giao Châu. Trong thời gian làm quan ở đây, ông đi kinh lý nhiều nơi. Có ngày đến bộ Dương Tuyền (tên cổ của trấn Hải Dương), ông thấy khu đất đẹp sơn thủy thanh tú, năm con ngựa chầu đằng trước, bảy ngôi sao ứng đằng sau, thần đồng dáng đứng, bảng bút bày lên, thật là ngôi đất phát tổ tiến sĩ. Ông lập ấp ở đây đặt tên là Khả Mộ. Đến triều Trần, Khả Mộ mới đổi tên là Mộ Trạch. Sau này ông không bệnh mà hóa, nhân dân ở đây rước linh cữu đến xứ đồng phía bắc làng an táng. Chỉ trong 1 đêm, mối xông thành ngôi mộ lớn. Nhân dân thấy điềm lạ liền kinh sợ, báo quan huyện. Quan huyện thấy điềm lạ, truyền cho nhân dân lập đền thờ cúng. Từ đó Vũ Hồn trở thành thành hoàng làng Mộ Trạch.
Cuốn sách được chia thành 6 chương gồm: vị trí làng Mộ Trạch; sự ra đời của làng; những nhân vật nổi tiếng của làng; những di tích lịch sử - văn hóa; những dòng họ và sự thiên di của dân làng Mộ Trạch; hiệu đính những tư liệu viết chưa đúng về làng Mộ Trạch và phụ bản.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho độc giả nghiên cứu, đối chiếu, Ban Biên tập đã in một số tư liệu nguyên bản bằng Hán văn ở cuối sách. Đây là nguồn tư liệu quý giá với nhiều độc giả quan tâm đến sử học, dân tộc học và giáo dục học của Việt Nam trong tập sách này. Quá trình biên tập và hiệu đính, Ban Biên tập đã cố gắng trình bày các chương, mục hợp lý, các bản dịch từ Hán văn dễ hiểu.
Cuốn sách gồm 231 trang, đang được lưu trữ tại Thư viện tỉnh.
BÌNH AN