Sớm tu sửa nhà trưng bày gốm sứ

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 19:09, 08/10/2022

Một số hạng mục của nhà trưng bày chuyên đề gốm sứ của Bảo tàng tỉnh Hải Dương đang xuống cấp nghiêm trọng.


Hệ thống tường trong nhà trưng bày chuyên đề gốm sứ đã bị bong tróc, loang lổ

Dù có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ các di tích gốm, nhưng hiện nay một số hạng mục của nhà trưng bày chuyên đề gốm sứ của Bảo tàng tỉnh đang xuống cấp nghiêm trọng.

Lưu giữ nhiều hiện vật quan trọng

Hải Dương là trung tâm sản xuất gốm lớn của cả nước dưới thời phong kiến. Theo kết quả điền dã, khảo sát và khai quật, đến nay đã phát hiện 15 di tích gốm sứ có niên đại từ thời nhà Trần (thế kỷ XIII) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX) được phân bố dọc các dòng sông Thương, Thái Bình, Kinh Thầy, Cửu An... 

Từ năm 1996-2002, Bảo tàng tỉnh thực hiện hàng chục cuộc nghiên cứu, khai quật tại các di tích Trạm Điền (Chí Linh), Cậy, Hợp Lễ (Bình Giang), Mỹ Xá (Nam Sách). Đặc biệt, cuộc khai quật vào tháng 1.1990 tại di tích Chu Đậu đã thu về hàng vạn hiện vật, gồm các loại bát, đĩa, chén, bình tỳ bà, bát hương... Tháng 6.2000, tại vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đã trục vớt con tàu đắm vào thế kỷ XV, thu được 24 vạn hiện vật gốm sứ, trong đó phần lớn sản xuất tại Chu Đậu và Mỹ Xá. Sau khi kết thúc cuộc khai quật, Chính phủ đã giao Bảo tàng tỉnh lưu giữ 5.000 hiện vật.

Với số lượng hiện vật gốm sứ thu về từ các cuộc khai quật khảo cổ học và sưu tập hiện vật tàu đắm Cù Lao Chàm, năm 2007 Hải Dương xây dựng nhà trưng bày chuyên đề gốm sứ, đến năm 2010 mở cửa đón khách. Nhà gồm 2 tầng, diện tích 858 m2, đang lưu giữ, bảo quản và trưng bày gần 1.000 tài liệu, hiện vật tiêu biểu minh chứng cho lịch sử nghề sản xuất gốm cổ truyền của vùng đất Hải Dương và nhiều vùng trong cả nước. Tiêu biểu phải kể đến các mảnh gốm cồn Cổ Ngựa cách ngày nay khoảng 6.000 năm, gốm Hoa Lộc (đều thuộc tỉnh Thanh Hóa) cách ngày nay khoảng 4.000-3.500 năm, gốm Đồng Vườn (Ninh Bình) cách ngày nay khoảng 6.000-5.000 năm... Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: "Các di tích gốm sứ được lưu giữ, trưng bày tại nhà trưng bày chuyên đề gốm sứ rất đa dạng, phong phú. Những hiện vật này không chỉ thể hiện sự sáng tạo trong trí óc và bàn tay tài hoa mà thông qua đó có thể hiểu được một phần về cuộc sống, cách sinh hoạt, sự phát triển của thời xưa".


Nhà trưng bày chuyên đề gốm sứ lưu giữ nhiều hiện vật giá trị

Xuống cấp

Đến nay, nhà trưng bày chuyên đề gốm sứ chưa được tu sửa, chỉnh lý, bổ sung và do tác động của tự nhiên nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ hệ thống tường, nền nhà bị phồng, bong tróc, ẩm thấp; mái ngói bị xô lệch, thủng dột. Quạt, điện chiếu sáng thường xuyên bị cháy, hỏng. Hệ thống tủ, bục trang thiết bị từ những năm 1960 - 1970 rất lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu về bảo quản hiện vật, một số tủ bong, nứt. Tư liệu ảnh bị mờ. Kho bảo quản hiện vật tận dụng từ công trình xây dựng những năm 90 của thế kỷ trước, diện tích kho quá chật so với số lượng hiện vật hiện có. Vì thế, đơn vị phải đóng hiện vật vào thùng, xếp chồng lên nhau.

Chị Đặng Thị Thoan, quản lý nhà trưng bày gốm cho biết: "Để khắc phục tình trạng xuống cấp của nhà trưng bày, chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp, song cũng chỉ là tạm thời, về lâu dài cần được tu sửa tổng thể thì công trình mới phát huy được giá trị".

Đối với những chỗ bị dột, chị Thoan khắc phục bằng cách đặt các thùng bên dưới để hứng nước mưa. Các tủ trưng bày bị mục thì dùng giấy dán che lại, mỗi khi tường bong tróc chị lại quét dọn sạch sẽ, một số chỗ được trát lại nhưng chưa sơn nên hình thành nhiều mảng màu khác nhau... 

Để bảo đảm an toàn cho hiện vật gốc, phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập và trải nghiệm của khách, đặc biệt là học sinh, đồng thời góp phần tích cực thực hiện Chương trình số 22-Ctr/TU ngày 19.8.2021 của Tỉnh ủy về “Phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, các ngành chức năng cần quan tâm sửa chữa, bảo dưỡng nhà trưng bày chuyên đề gốm sứ và tủ bảo quản hiện vật.

THANH HÀ