Đầu tư hơn 15 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia chùa Trông

Di tích - Ngày đăng : 13:20, 09/10/2022

 Sáng 9.10, UBND xã Hưng Long (Ninh Giang) tổ chức lễ khánh thành nhà tiền bái, trung từ và hậu cung di tích quốc gia chùa Trông nhân kỷ niệm 960 năm ngày khánh đản Đức Thánh Thiền Sư Nguyễn Minh Không (14.9.1062 – 14.9.2022 Âm lịch).


Cắt băng khánh thành nhà tiền bái, trung từ và hậu cung di tích quốc gia chùa Trông

Từ năm 2017, UBND xã Hưng Long tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia chùa Trông. Đầu năm 2018, đã hoàn thành giai đoạn 1 với hạng mục tu bổ tòa Tam Bảo gồm 5 gian. Đến tháng 7.2019, địa phương tiếp tục triển khai giai đoạn 2 xây dựng nhà tiền bái, trung từ, hậu cung. Tổng kinh phí trên 15,1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hoá. 


Đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và huyện Ninh Giang dâng hương

Chùa Trông tên hiệu là Hưng Long Thiền Tự, là thánh tích Phật giáo có kiến trúc nghệ thuật độc đáo được xếp hạng di tích quốc gia năm 2003. Chùa được xây dựng vào khoảng thập kỷ 80 của thế kỷ 11, thời vua Lý Nhân Tông (1010-1225) và được trùng tu tôn tạo vào thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18). Ngôi chùa nằm trên khu đất rộng gần 8.000 m2, được xây dựng theo quy hoạch “nội công, ngoại quốc”, bên ngoài thờ Phật theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, bên trong thờ 3 vị cao tăng đắc đạo thời Lý, đó là các Thiền sư Nguyễn Minh Không, Từ Đạo Hạnh, Giác Hải. 
Thiền sư Nguyễn Minh Không tu hành chứng được lục trí thần thông, chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông, được nhà vua phong là Nam Thiên Thánh Tổ - Lý triều Quốc sư. Ngài còn là ông Tổ nghề đúc đồng Việt Nam đã kiến tạo An Nam tứ đại khí. Ngài đi hoằng đạo khắp nơi, xây dựng nhiều chùa nổi tiếng như chùa Keo, Cổ Lễ, Bái Đính cổ tự, chùa Láng… Cuối đời, ngài về chùa Trông tu hành và chữa bệnh cho muôn dân. Do có công lao lớn với đất nước và Phật giáo, sau khi Minh Không Thiền sư qua đời, triều đình đã xuống chiếu cho lập đền thờ gọi là chùa Trông ngày nay.


Cổng tam quan chùa Trông, xã Hưng Long

Trải qua những thăng trầm lịch sử và thời gian, đến nay chùa Trông vẫn giữ được đường nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo và tinh tế.

THÀNH ĐẠT