Không đánh tráo khái niệm về nhân quyền

Góc nhìn - Ngày đăng : 10:00, 11/10/2022

Quyền con người ở Việt Nam đã được thể hiện toàn diện, đầy đủ trong hiến pháp-đạo luật nền tảng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Niềm vui được mùa của người trồng lúa. Ảnh minh họa

Cái gọi là “thư ngỏ” của một vài tổ chức nhân danh quốc tế về nhân quyền gửi tới các quốc gia thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) thời gian qua nhằm vận động không bỏ phiếu cho Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 thật thiếu cơ sở.

Thư ngỏ của một số tổ chức này giống như một tổ ong. Nó chỉ có phần lõm mà không có phần lồi. Vì họ không được mắt thấy, tai nghe, tiếp nhận thông tin sai lệch nên họ mới đưa ra kiến nghị rằng “Việt Nam là một quốc gia vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và triền miên, không tuân thủ các cam kết, có thành tích hợp tác kém với Hội đồng Nhân quyền (HRC)”.

Báo cáo của họ phớt lờ, không đề cập đến những thành tựu với sự nỗ lực không mệt mỏi mà Việt Nam đã đạt được khi phấn đấu cho quyền con người. Những thành tựu ấy không chỉ được “tai nghe, mắt thấy” ở Việt Nam, mà còn được chính các tổ chức lớn của LHQ báo cáo, đánh giá định kỳ, như Chương trình Phát triển LHQ (UNDP); Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay chính Hội đồng Nhân quyền (HRC)...

Cùng với việc bác bỏ nội dung sai sự thật, không khách quan với định kiến xấu mà một số tổ chức nhân danh nhân quyền quốc tế đã đưa ra về tình hình Việt Nam, ngày 22.9, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao về việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người trong thời gian vừa qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Từ nhiều năm nay, LHQ luôn lấy Việt Nam là một điểm sáng về phát triển con người, nhất là trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, về công bằng và tiến bộ xã hội. Việt Nam nằm trong số những quốc gia đạt tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất thế giới.

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam là công bằng, hướng tới mọi đối tượng, không chỉ chú trọng phát triển kinh tế ở thành thị, mà luôn dành nguồn lực lớn, sự quan tâm sâu sắc tới xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống người nông dân. Qua từng năm, hầu hết các chỉ tiêu về phát triển văn hóa, xã hội đều thay đổi nhanh chóng.

Một điểm đặc biệt của Việt Nam được quốc tế đánh giá rất cao là đất nước rất chú trọng đến Chỉ số phát triển con người (HDI), dù kinh tế chưa đạt được như các nước tiên tiến. Báo cáo hằng năm của UNDP cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất thế giới. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua; được LHQ đánh giá là điểm sáng về thực hiện bình đẳng giới trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

Quyền con người ở Việt Nam đã được thể hiện toàn diện, đầy đủ trong hiến pháp-đạo luật nền tảng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cùng với hiến pháp và các bộ luật, đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người...

Trước đó, năm 2013 Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số các nước thành viên mới. Việc Việt Nam tiếp tục ứng cử là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 là hoàn toàn xứng đáng. ASEAN cũng đã chính thức công nhận Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khối. Đó là minh chứng xác đáng cho những thành tựu và nỗ lực không ngừng của Việt Nam cho một cuộc sống tươi đẹp trên hành tinh xanh.

NGUYỄN ANH TUẤN