Bão Sơn Ca suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Môi trường - Ngày đăng : 21:04, 14/10/2022
Vị trí và hướng di chuyển áp thấp nhiệt đới lúc 19h tối 14.10
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 19h tối 14.10, tâm áp thấp nhiệt đới đang cách Đà Nẵng - Quảng Nam khoảng 190km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 61km/h), giật cấp 9, di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 15km/h.
Dự báo trong đêm nay và sáng mai, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc và suy yếu dần, đến 7h sáng mai (15.10), tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền ven biển khu vực Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Trong 12 tới 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản dự báo lúc 19h ngày 14.10 (giờ Việt Nam), bão Sơn Ca vẫn đang mạnh cấp 8 (18m/s), giật cấp 10 (25m/s). Đài Nhật dự báo bão Sơn Ca duy trì cường độ cấp 8, giật cấp 10 khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh thành Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào sáng mai. Sau đó sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên vùng biển phía tây bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển từ Quảng Trị đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Trên đất liền, khu vực ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Tổng lượng mưa tích lũy cả đợt tính từ đêm ngày 14 đến hết ngày 16.10, Quảng Bình 100 - 200mm, có nơi trên 250mm; các tỉnh thành Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 200 - 400mm, có nơi trên 500mm; Quảng Ngãi 70 - 120mm, có nơi trên 150mm. Ở Kon Tum, Gia Lai 30 - 60mm, có nơi trên 100mm.
Theo Tuổi trẻ