Nữ sĩ Anh Thơ và giấc mộng tan thành mây khói
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 07:28, 16/10/2022
Nhà thơ Anh Thơ (1921- 2005), tên thật là Vương Kiều Ân, các bút danh khác: Hồng Anh, Tuyết Anh, Hồng Minh. Anh Thơ quê gốc ở Bắc Giang nhưng bà sinh tại thị trấn Ninh Giang. Trong số những gương mặt nữ làm thơ từ trước Cách mạng Tháng Tám, Anh Thơ là người có sức viết bền bỉ và dồi dào hơn cả.
Anh Thơ bước vào làng thơ từ khá sớm. 16 tuổi bà đã có thơ đăng trên báo Đông phương và năm 1939, tập “Bức tranh quê” của bà đã giành được giải thưởng thơ của Tự lực Văn đoàn. Không chỉ đem lại những hào quang trong văn chương mà tập thơ còn là cầu nối dẫn đến một mối tình thơ lãng mạn giữa Anh Thơ và nhà thơ Nguyễn Bính.
Sau khi tập thơ được giải thưởng, Anh Thơ nhận được một bức thư của Nguyễn Bính gửi qua một người anh họ vốn là bạn của nhà thơ. Bức thư hết lời ca ngợi nữ sĩ đã có những bài thơ tả thôn quê rất đẹp. Rồi sau đó là những lời ngỏ tình cảm với Anh Thơ, người không hẹn mà thành đồng điệu. Đọc bức thư, Anh Thơ rất xúc động vì lời lẽ thiết tha đầy tình cảm.
Sau đó, hai người đã trao đổi thư từ. Nguyễn Bính viết thư rất hay và gửi tặng bà nhiều bài thơ. Ông gọi Anh Thơ là “công chúa của thơ mình”, khiến cô thiếu nữ vừa thích thú vừa tự hào. Nhất là khi trên Tiểu thuyết thứ năm đăng bài thơ Vẩn vơ của Nguyễn Bính với lời đề tặng “Xa gửi nàng thơ áo trắng sông Thương”: "… Đã bảo không không được một ngày/ Rồi yêu tất cả buổi chiều nay/ Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá/ Không biết là mưa hay nắng đây/ Lâu nay tôi thấy ở hồn tôi/ Như có tơ vương đến một người/ Người ấy, nhưng mà tôi chả nói/ Tôi đành “ngậm miệng” nữa mà thôi!/ Oán đã bao la hận đã nhiều/ Cớ sao tôi vẫn chả thôi yêu?/ Tôi đi mãi mãi con đường ấy/ Qua lại luôn luôn sáng lại chiều?".
Khỏi phải nói, khi đọc bài thơ Anh Thơ đã vui sướng và kiêu hãnh đến mức nào. Trái tim thiếu nữ của bà rung lên những nhịp đập bồi hồi và đã xây cho mình bao giấc mộng khi tình yêu và thơ ca được chắp cánh thăng hoa. Nhưng rồi khi va đập với thực tế, giấc mộng đó đã tan thành mây khói.
Sau một lần Nguyễn Bính từ Hà Nội lên Bắc Giang tìm gặp Anh Thơ, vẻ ngoài “nhếch nhác” của nhà thơ đã khiến bà e ngại. Tình yêu chỉ đẹp khi nó được chiếu qua lăng kính của thi ca. Tự cảm thấy tính cách của hai người không hợp nhau nên từ đó Anh Thơ không duy trì liên lạc với nhà thơ Nguyễn Bính nữa.
NGỌC HÂN (sưu tầm)