Phụ nữ Cúc Bồ gìn giữ nghề mộc truyền thống

Kinh tế - Ngày đăng : 09:17, 17/10/2022

Làng nghề mộc Cúc Bồ, xã Kiến Quốc (Ninh Giang) có truyền thống trên 400 năm. Ở đây, nhiều nữ thợ mộc tạo ra những sản phẩm không thua kém gì cánh đàn ông.


Chị Bùi Thị Minh tỉ mỉ chạm khắc bức cuốn thư

Chồng cưa, vợ đục

Trong âm thanh rộn ràng của tiếng đục đẽo, vợ chồng anh Bùi Huy Giang và chị Bùi Thị Minh ở xóm Cổng Tiền, thôn Cúc Bồ đang nhanh chóng hoàn thiện bức cuốn thư để kịp giao cho khách.

Chị Minh đưa mũi đục nhanh thoăn thoắt, từng đường chạm khắc bắt đầu có những nét mềm mại và tinh tế. Anh Giang bảo "nữ thợ mộc" ấy thạo nghề không kém chồng. Nhiệm vụ được phân công theo từng công đoạn: Chồng cưa, vợ đục. Vợ chồng anh Giang chuyên làm tranh, đồ thờ cho các nhà gỗ. Dù sinh ra tại làng nghề Cúc Bồ nhưng chị Minh không được thừa hưởng nghề truyền thống từ bố. Đến năm 2004, khi cưới anh Giang, vợ làm theo chồng đỡ đần công việc, chị Minh trở thành thợ chính lúc nào không hay.


Phụ nữ Cúc Bồ có thể làm nhiều công đoạn khác nhau của nghề mộc mỹ nghệ

“Dù không khỏe mạnh như cánh đàn ông nhưng phụ nữ chúng tôi có thế mạnh về sự tỉ mỉ, khéo léo có thể chạm khắc ra những sản phẩm sống động và có hồn. Công việc nhiều lúc cũng vất vả nhưng đem lại thu nhập khá, lại được gần gia đình, có thời gian chăm sóc con cái”, chị Minh chia sẻ.

Chúng tôi đến xưởng gỗ của gia đình chị Bùi Thị Thủy ở xóm 8, thôn Cúc Bồ, chuyên làm nhà gỗ khắp nơi ở miền Bắc. Chị Thủy nổi tiếng là người kinh doanh giỏi. Chồng chị đi xa nhận công trình và lắp nhà gỗ. Chị ở nhà quán xuyến mọi việc để tạo nên 1 ngôi nhà gỗ hoàn chỉnh. Cơ sở của chị Thủy có 25 công nhân làm, trong đó có 5 phụ nữ chuyên làm nhiều công việc như chà nhám, đánh giấy ráp, làm sạch các sản phẩn hoàn thiện tạo nên các bộ phận lắp ráp thành một ngôi nhà gỗ hoàn hảo.


Nghề làm mộc truyền thống đã giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều chị em

Hơn 10 năm gắn bó với nghề đã giúp chị Thủy làm được bất cứ công đoạn nào của nghề mộc từ pha gỗ, tạo hình, chạm khắc, đục đẽo đến phun sơn... “Một số người đến đây thấy phụ nữ chúng tôi cũng biết cưa, biết đục lấy làm lạ lắm. Sinh ra ở làng quê gắn bó với nghề mộc từ tấm bé nên biết nghề, yêu nghề để mưu sinh là chuyện bình thường”, chị Thủy nói.

Đau đáu với nghề

Dù vất vả, khó khăn hơn cánh mày râu khi dấn thân vào nghề mộc nhưng không ít phụ nữ làng nghề Cúc Bồ dành trọn tình yêu với nghề, đau đáu ước mơ lưu giữ và phát triển nghề truyền thống. Chị Bùi Thị Dĩu ở xóm Nam trăn trở chuyện truyền nghề cho thế hệ sau: "Bọn nhỏ giờ chỉ thích làm những nghề nhẹ nhàng văn phòng, không có nhiều thiết tha với nghề mộc. Chúng đâu biết, mấy năm qua ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế khó khăn nhưng người dân làng mộc Cúc Bồ vẫn sống tốt nhờ nghề này".

Nhờ lưu giữ và phát triển nghề mộc truyền thống Cúc Bồ, hiện nhiều chị em phụ nữ trong làng có cuộc sống ổn định và khá giả. Ai không có tay nghề thì đi làm thuê với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng, còn ai có tay nghề cao có thể đạt từ 12-15 triệu đồng/tháng.


Chị Bùi Thị Dĩu ở xóm Nam luôn trăn trở chuyện truyền nghề cho thế hệ sau

Chị Bùi Thị Chàm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cúc Bồ cho biết làng nghề hiện có 98 hộ với hơn 300 người làm nghề truyền thống. Tổng giá trị năm 2021 của làng nghề đạt 117 tỷ đồng, giải quyết việc làm tại chỗ cho khoảng 60 phụ nữ tại địa phương.

“Chị em làng nghề Cúc Bồ đã và đang nâng cao tay nghề, tăng thu nhập và gắn bó với nghề truyền thống như lẽ tất yếu. Cái hay của nghề là họ được gần gia đình, giúp đỡ chăm sóc chồng con. Dù đang phát triển tốt nhưng hướng đến một tương lai rộng mở hơn vẫn là mong ước của nhiều người tâm huyết với nghề mộc ở Cúc Bồ”, chị Chàm nói.

NHƯ THÀNH