Bất ngờ bánh cuốn Hàn Giang
Kinh tế - Ngày đăng : 09:45, 06/12/2022
Mỗi lần thưởng thức bánh cuốn Hàn Giang, thực khách khó quên được vị dẻo mềm của gạo, ngầy ngậy của mỡ hành và chút đậm đà của nước chấm chua ngọt. Chẳng biết tự bao giờ, bánh cuốn Hàn Giang đã trở thành món ăn dân dã, không chỉ níu chân thực khách trong nước mà còn vươn xa trở thành món quà quý nơi xa xứ.
Mộc mạc quà quê
Nhà văn Thạch Lam từng tả bánh cuốn Thanh Trì mỏng như tờ giấy và trong như lụa. Vị bánh thơm bột mịn và dẻo. Bánh chay thì thanh đạm, bánh mặn thì đậm vì chút mỡ hành... Bánh cuốn tráng tay ở xóm Hàn Giang được nhiều người nhận xét cũng ngon không kém.
Các bà, các mẹ ở xóm Hàn Giang trong lúc rảnh rỗi thường kể cho con cháu nghe sự ra đời của xóm bánh cuốn nhỏ này. Bà Mai Thị Vượt năm nay đã ngoài 80 tuổi, gia đình có 3 đời làm nghề bánh cuốn cho biết phần lớn người làm bánh cuốn Hàn Giang quê gốc ở tổng Cọi Khê, phủ Vũ Tiên (nay thuộc xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Những năm đầu của thế kỷ 20, làm nghề nông ở Thái Bình nghèo khó, không ít người đã ra Hải Dương kiếm kế sinh nhai. Làm đủ nghề nhưng cuộc sống vẫn vất vả, khó khăn nên cụ Phạm Văn Tảo, người cùng quê đã học nghề làm bánh cuốn để về truyền lại cho bà con. Có nghề mới, kiếm sống tốt nên từ đó nhiều người Thái Bình bỏ kéo xe, buôn thúng bán mẹt ở khắp nơi về phố nhỏ Hàn Giang an cư, lập nghiệp. Xóm bánh cuốn Hàn Giang cũng hình thành từ đó.
Bây giờ mỗi sớm, phố nhỏ Hàn Giang vẫn tấp nập người vào ra. Tuy số nhà làm bánh cuốn chỉ bằng 1/3 so với trước kia nhưng phố vẫn vui vì người mua không giảm. Người dân thích bánh cuốn Hàn Giang vì trong đó chất chứa bao dư vị tuổi thơ. Bà Hoàng Thị Lan ở tận Hà Nội tranh thủ cuối tuần về thăm quê ghé qua phố Hàn Giang mua bánh cuốn kể: “Thuở nhỏ mỗi lần mẹ tôi có việc ra thành phố thế nào cũng có túi bánh cuốn Hàn Giang mang về. Miếng bánh cuốn trắng mỏng, bóng loáng mỡ hành khi ấy là thức quà quý giá mà đến bây giờ gần 20 năm sinh sống ở Hà Nội tôi vấn nhớ và tìm về mua bánh cuốn nơi đây”.
Bí quyết làm nghề cùng với kinh nghiệm nhiều năm giúp những thợ làm bánh cuốn nơi đây nhìn gạo, nhìn bột biết bánh đã đủ độ mềm, mịn khi tráng mà không cần hẹn giờ. Chị Đỗ Thị Hương, chủ cơ sở bánh cuốn Tân Hương cho biết: "Bánh cuốn Hàn Giang đặc biệt bởi tráng tay hoàn toàn. Bánh mỏng như tờ giấy pơ-luya, dẻo dai nên nhiều người thích".
Đề xuất thương hiệu quốc gia
Biết thông tin bánh cuốn cùng với bánh đậu xanh, chả rươi, bún cá rô đồng là một trong 4 món ăn nổi tiếng xứ Đông được đề nghị công nhận thương hiệu quốc gia, nhiều gia đình xóm nhỏ Hàn Giang rất tự hào. Vui vì nghề của cha ông gìn giữ bao đời được coi trọng và những cố gắng của mỗi người làm nghề hôm nay được đền đáp. Bà Nguyễn Hoài Thoa, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết bánh cuốn là một trong 4 món ăn đặc sắc của Hải Dương được đề nghị xây dựng thương hiệu quốc gia. Đây là món ngon nổi tiếng của xứ Đông, được nhiều người biết đến.
Bánh cuốn Hàn Giang không những được thực khách trong nước mến mộ mà còn được nhiều người dân Việt Nam xa xứ, thậm chí cả người nước ngoài yêu thích. Bánh cuốn Hàn Giang ngày nay vẫn duy trì những nét riêng nghề cũ. Từ những hạt gạo trắng trong chắt chiu từ đất mẹ mà làm nên đặc sản này. Những củ hành ở Kinh Môn, Nam Sách cũng góp phần làm tạo ra sự đặc biệt của bánh cuốn Hàn Giang.
Với mong muốn tập hợp đầy đủ món ngon của các địa phương trong cả nước, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã dày công sưu tầm và sẽ cùng Hải Dương phối hợp nghiên cứu, tìm hiểu món bánh cuốn Hàn Giang. Từ một món quà quê bình dị, bánh cuốn của Hải Dương đang hướng đến một đích xa hơn, xây dựng thương hiệu không chỉ ở trong tỉnh mà còn vươn rộng ở tầm quốc gia. Công nhận món ăn trở thành thương hiệu quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Hải Dương quảng bá đặc sản địa phương, góp phần phát triển du lịch.
“Xuất khẩu” đi xa
Món ngon nhớ lâu, bánh cuốn Hàn Giang không chỉ chiều lòng thực khách trong tỉnh mà còn trở thành thứ quà quê quý giá của mỗi người con xa xứ. Ở Hàn Giang nhà nào cũng có mối riêng để đưa bánh đi nước ngoài. Theo bà Mai Thị Chiêm, bánh cuốn Hàn Giang đã sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Đức, Australia… “Cả đời tôi chưa một lần được ngồi máy bay. Ấy vậy mà bánh cuốn Hàn Giang tuần một lần bay sang nước ngoài, thậm chí sang cả Mỹ”, bà Chiêm nói.
Cách đây gần chục năm, bánh cuốn Hàn Giang đã được xuất sang nước ngoài. Ban đầu sang những nước gần như Thái Lan, Campuchia rồi xa hơn sang Hàn Quốc, Nhật Bản, gần đây bánh được người dân mang theo hàng nghìn cây số sang Mỹ, Đức. Những gia đình có thâm niên làm nghề vài chục năm như gia đình các bà Đặng Thị Hậu, Đỗ Thị Hương, Mai Thị Chiêm, ông Đỗ Đức Tiến đã truyền nghề cho không ít người.
Bánh cuốn không chất bảo quản nên để được rất ngắn. Muốn mang đi xa, nhất là nước ngoài, người làm bánh phải bỏ riêng hành phi. Bánh cuốn tráng tay để nguội phân thành những túi nhỏ sau đó đóng thùng cát tông kín mang đi. Nếu bánh để lâu cứng hơn một chút thì có thể cho vào lò vi sóng vài phút là dùng được. Thị trường ngày càng mở rộng nên người làm nghề bánh cuốn ở Hàn Giang giờ đây đã biết dùng mạng xã hội để giới thiệu đặc sản, tìm mối đặt hàng, thanh toán tiền qua thẻ ngân hàng thành thạo.
Không mang được bánh cuốn đi xa nên nhiều người đã tìm đến xóm Hàn Giang để học nghề trước khi xuất ngoại. Ông Đỗ Đức Tiến cho biết bánh cuốn Hàn Giang giờ còn là nghề kiếm sống, làm giàu của một số người Việt Nam ở nước ngoài. Không giấu nghề, người dân Hàn Giang chia sẻ bí quyết cho bất cứ ai đến đây học.
Muốn thành thương hiệu quốc gia thì bánh cuốn Hàn Giang cần được gìn giữ và phát triển tốt hơn, xây dựng niềm tin của những thực khách gần xa.
Nội dung: LAN ANH
Đồ họa: TUẤN ANH