Rạn nứt mới trong liên minh phương Tây EU - Mỹ

Tin tức - Ngày đăng : 14:11, 20/10/2022

Pháp đang đi đầu trong việc đưa ra phản ứng của EU khi căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương gia tăng trở lại.

Chú thích ảnh

Tổng thống Pháp Macron (thứ 2 bên trái) trong một cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: AFP

Theo trang tin Politico.eu, Tổng thống Mỹ Joe Biden có lẽ cần cảnh giác khi Pháp đang trở lại vai trò đi đầu của EU trên mặt trận thương mại xuyên Đại Tây Dương, trong bối cảnh Tổng thống Emmanuel Macron cáo buộc Washington theo chủ nghĩa bảo hộ và đe dọa tăng cường khả năng phòng vệ của EU.

Dường như mối quan hệ căng thẳng giữa Brussels và Washington đã dịu đi dưới thời Chính quyền Tổng thống Biden. Đối mặt với đối thủ cạnh tranh hàng đầu là Trung Quốc, EU và Mỹ năm ngoái đã "đình chiến" về mức thuế mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh vào thép và nhôm của châu Âu. Trong năm nay, cuộc xung đột Nga - Ukraine đòi hỏi Mỹ và châu Âu cần phải thể hiện một mặt trận thống nhất, ít nhất là về mặt chính trị.

Tuy nhiên, những rạn nứt đang bắt đầu xuất hiện trở lại trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. EU đang rất tức giận về việc Mỹ tăng cường đổ tiền trợ cấp cho ngành sản xuất ô tô điện trong nước. Khi cáo buộc Washington theo chủ nghĩa bảo hộ, EU hiện đe dọa xây dựng các biện pháp phòng vệ của riêng mình.

Không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đi đầu trong cáo buộc trên. “Người Mỹ đang mua hàng của Mỹ và theo đuổi một chiến lược viện trợ nhà nước rất tích cực. Người Trung Quốc đang đóng cửa thị trường của họ. Chúng ta không thể không có sự ưu tiên cho châu Âu”, ông Macron nói với nhật báo Pháp Les Echos, kêu gọi Brussels hỗ trợ người tiêu dùng và các công ty mua ô tô điện được sản xuất tại EU, thay vì ô tô từ bên ngoài khối. 

2 lý do chính khiến EU căng thẳng với Mỹ 

Xét cho cùng, có nhiều lý do chính đáng khiến EU lo ngại về thương mại của họ.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây ra một cú sốc lớn về điều kiện thương mại, với chi phí năng lượng ngày càng tăng cao, đẩy EU vào mức thâm hụt thương mại toàn khối lên tới 65 tỷ euro vào tháng 8 năm nay, so với mức chỉ 7 tỷ euro một năm trước đó. Trong một biểu hiện mới, việc châu Âu ngày càng phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ để thay thế cho nguồn cung bị hạn chế từ Nga đã làm bùng phát căng thẳng.

Bình luận của Tổng thống Macron phản ánh sự bất bình của EU đối với Đạo luật Giảm lạm phát của Washington, vốn khuyến khích người tiêu dùng Mỹ “mua hàng Mỹ”, đặc biệt là liên quan đến ô tô điện. EU lập luận rằng việc yêu cầu chiếc xe đó phải được lắp ráp tại Bắc Mỹ và sử dụng pin với một tỷ lệ nội địa hóa nhất định là phân biệt đối xử với EU và các đối tác thương mại khác.

Chú thích ảnh

Ủy ban châu Âu hy vọng sẽ tìm được thỏa hiệp với Mỹ về vấn đề ô tô điện. Ảnh: AFP

Theo các quan chức và nhà ngoại giao EU, Ủy ban châu Âu hy vọng sẽ thuyết phục được Washington tìm ra một thỏa hiệp ngoại giao cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu và các nhà cung cấp của họ. Nếu không, điều đó khiến EU không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kiện Washington tại Tổ chức Thương mại Thế giới, bất chấp một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương mới sẽ khiến cả hai bên tổn thất thời gian và tiền bạc.

Elvire Fabry, chuyên gia về chính sách thương mại tại Viện Jacques Delors ở Paris, nhận xét rằng tuyên bố của ông Macron “rõ ràng là một phản ứng chống lại Đạo luật Giảm lạm phát". 

Pháp có truyền thống là quốc gia thẳng thắn và nổi bật nhất của EU khi đối đầu với Washington trên một loạt các hồ sơ thương mại. Chẳng hạn, Paris đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn cản một hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ (được gọi là "TTIP"). Thuế kỹ thuật số của EU đã khiến "Big Tech" (các tập đoàn công nghệ lớn) của Mỹ tức giận và dẫn đến cuộc chiến thương mại với chính quyền Trump.

Gần đây hơn, trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU, Paris đã tập trung vào các biện pháp phòng vệ thương mại, điều này được cho là sẽ mang lại cho Brussels sức mạnh để trả đũa các biện pháp thương mại đơn phương, bao gồm cả từ Mỹ. 

Căng thẳng mới trên cũng là tin xấu cho cuộc họp sắp tới của Hội đồng Công nghệ và Thương mại xuyên Đại Tây Dương vào đầu tháng 12 tới.

Nhưng Pháp sẽ không "đơn độc" trong cuộc chiến thương mại có thể xảy ra với Mỹ liên quan đến ô tô điện. Theo chuyên gia Fabry, những căng thẳng này sẽ kéo Paris và Berlin xích lại gần nhau hơn, vì ngành công nghiệp xe hơi của Đức cũng bị ảnh hưởng đặc biệt bởi các biện pháp của Mỹ.

Trong khi đó, cách tiếp cận "Mua hàng Mỹ" không phải là vấn đề duy nhất gây tranh cãi. Việc châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Mỹ đã làm tăng sự bất mãn của EU đối với Washington.

Mặc dù giá nhập khẩu khí đốt trong tháng 9 đã giảm so với mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 8, nhưng chúng vẫn cao hơn 2,5 lần so với một năm trước. Tính đến khối lượng mua tăng, hóa đơn nhập khẩu LNG của Pháp đã cao gấp hơn 10 lần vào tháng 8, so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuần trước cảnh báo rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine không nên dẫn đến “sự thống trị kinh tế của Mỹ và sự suy yếu của EU". Ông Le Maire chỉ trích việc Mỹ bán LNG cho châu Âu “với giá gấp 4 lần giá mà họ bán cho các công ty trong nước”, đồng thời kêu gọi Brussels hành động vì “mối quan hệ kinh tế cân bằng hơn” giữa hai lục địa.

Theo Báo Tin tức