"Bài báo khoa học" đăng trên tạp chí dỏm, được thưởng tiền thật
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 09:00, 21/10/2022
Nhưng điều đáng nói, các tạp chí này đến nay đã bị loại khỏi Scopus (danh mục cơ sở dữ liệu các bài báo từ các tạp chí uy tín).
Bên cạnh đó, các tạp chí này còn nằm trong danh mục cảnh báo tạp chí giả mạo.
Đã thưởng từ 60 - 80 triệu đồng/bài
Năm 2020, đề tài "Yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện chương trình nông thôn mới tại các huyện ngoại thành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh" do bà Bùi Hồng Trang làm chủ nhiệm đã được Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP Hồ Chí Minh) cấp kinh phí 90 triệu đồng (theo "Chương trình Vườn ươm"). Từ đề tài này, hai tác giả Bùi Hồng Trang và Phan Thị Hằng Nga viết thành bài báo đăng tạp chí Multicultural Education vào năm 2021, và sau đó được trường thưởng 60 triệu đồng.
Tháng 6.2020, bài báo của nhóm tác giả Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phan Thị Hằng Nga (cùng hai tác giả khác) được đăng trên tạp chí Journal of Security and Sustainability Issues. "Tạp chí này tại thời điểm xuất bản volume 9-2020 còn nằm trong danh mục Scopus. Dù đây là tạp chí xếp hạng Q2, nhưng không lâu sau đó volume 10.2020 bị văng khỏi danh mục Scopus.
Điều lạ là cùng nội dung bài báo này nhưng lại có hai phiên bản tác giả nằm ở hai trang web khác nhau. Trong phiên bản hai có thêm tên tác giả Đ.T.N.H. (đầu nậu mua bán bài báo quốc tế)", một giảng viên của Trường ĐH Tài chính - Marketing cho biết.
Bài báo của nhóm tác giả Phan Thị Hằng Nga, Lê Trung Đạo, Hoàng Thái Hưng và Lê Thị Thúy Hằng bị tố đăng bài trên tạp chí dỏm Academy of Strategic Management Journal (đã bị loại khỏi danh mục Scopus), sau đó nhóm tác giả này được nhà trường thưởng 60 triệu đồng/bài.
Tương tự, hai bài báo của nhóm tác giả Phan Thị Hằng Nga và Phạm Tiến Đạt đăng trên tạp chí Hunan Daxue Xuebao/Journal of Hunan University Natural Sciences. "Tạp chí này được xếp hạng Q2, nhưng thực chất là tạp chí giả mạo. Nhóm tác giả được nhà trường thưởng 80 triệu đồng/bài", một giảng viên cho hay.
"Các tác giả không có căn cứ pháp lý nào của các cơ quan chức năng để xác định tạp chí giả mạo. Tại thời điểm xét chi hỗ trợ cho các tác giả, những tạp chí đó đều có trong danh mục Scopus" - Bà Phan Thị Hằng Nga (phụ trách phòng quản lý khoa học Trường ĐH Tài chính - Marketing) nói.
Đều là tạp chí mạo danh
Tuổi Trẻ đã liên hệ một số nhà khoa học ở Việt Nam và Mỹ. Các nhà khoa học này đã nhận định: "Tất cả những bài báo của các tác giả bị tố trên đều đăng trên các tạp chí đã bị cảnh báo mạo danh, giả mạo hoặc đã bị loại khỏi danh mục Scopus".
Cụ thể: 1. Multicultural Education (http://ijdri.com) là tạp chí mạo danh nằm trong danh sách cảnh báo của Retraction Watch (dòng 100). Tạp chí này từng được cảnh báo trong nhóm Liêm chính khoa học và Tuổi Trẻ cũng từng đưa tin về danh mục cảnh báo tạp chí giả mạo của Retraction Watch.
2. Journal of Security and Sustainability Issues - tạp chí này đã bị loại khỏi Scopus từ năm 2020 do quan ngại về hành vi xuất bản bất thường.
3. Academy of Strategic Management Journal - tạp chí này đã bị loại khỏi Scopus từ năm 2021, cũng do hành vi xuất bản bất thường. Tạp chí này của nhà xuất bản săn mồi Allied Business Academies.
4. Hunan Daxue Xuebao/Journal of Hunan University Natural Sciences (https://jonuns.com) là tạp chí giả mạo từng bị Đại học Universitas Diponegoro (UNDIP) của Indonesia cảnh báo.
TS Dương Tú (Đại học Purdue, Mỹ) cho biết: "Các tạp chí mạo danh luôn tìm cách giả mạo những tạp chí gốc nằm trong Scopus hay ISI nhằm đánh lừa nhà nghiên cứu đăng bài để thu tiền. Chỉ tra cứu tên tạp chí trong danh mục Scopus hay ISI là không đủ để xác định một tạp chí có mạo danh hay không".
Ông Trần Đức Sự - phó giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ - xác nhận tháng 12-2020 đơn vị này có ký hợp đồng thuê khoán với bà Bùi Hồng Trang, hỗ trợ 90 triệu đồng để thực hiện đề tài trên. Tác giả đã nộp kết quả nghiên cứu đúng thời hạn theo hợp đồng. "Nếu bài báo đăng trước thời điểm Nafosted thay đổi danh mục thì vẫn được xem là sản phẩm phù hợp với tiêu chí chương trình", ông Sự nói.
Theo ông Lê Trung Đạo - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, trường thực hiện chính sách khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ với các quy định được ban hành trong từng thời kỳ. Giai đoạn trước năm 2021, trường chi hỗ trợ cho các bài đăng trên tạp chí quốc tế có mã số ISSN, nằm trong danh mục Scopus/ISI.
Từ tháng 1-2021, trường điều chỉnh xét chi hỗ trợ cho công bố quốc tế, không chi hỗ trợ cho các bài báo nằm trong các danh sách Beall và liên tục cập nhật các quy định liên quan. "Nhà trường thực hiện công khai minh bạch theo đúng quy định tại từng thời phát triển của trường", ông Đạo khẳng định.
Không biết vì sao một bài đăng hai nơi
Nói về bài báo xuất hiện ở hai trang web khác nhau, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh khẳng định: "Chúng tôi chỉ gửi đăng bài này duy nhất một lần, trên Journal of Security and Sustainability Issues. Trên trang web chính tạp chí này đã đăng bài báo của chúng tôi, nhóm tác giả gồm bốn người: Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phan Thị Hằng Nga, Bùi Ngọc Toản, Trần Xuân Hằng.
Bài báo là sản phẩm tập thể bốn tác giả, từ đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ. Khoảng từ giữa năm 2019 đến giữa 2020, tôi rất nhiều lần liên hệ qua lại bằng email với ông Đ.T.N.H. do thời điểm này ông H. nhờ tôi hướng dẫn làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM.
Qua quá trình trao đổi làm việc do thấy hướng nghiên cứu của ông H. không phù hợp nên tôi gửi đơn xin dừng việc hướng dẫn nghiên cứu sinh này và đã được chấp thuận. Tôi không biết và không cho phép ông H. gắn tên vào bài báo của mình".
Theo Tuổi trẻ