"Thủ phủ" hành tỏi vào mùa
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:00, 22/10/2022
Nông dân phường An Phụ tranh thủ xuống đồng trồng tỏi giữa trưa
Những ngày này, mảnh đất Kinh Môn-nơi được mệnh danh là “thủ phủ" hành tỏi của miền Bắc đang bước vào những ngày sản xuất vụ đông hết sức bận rộn. Đây cũng là thời điểm được bà con nông dân mong chờ nhất trong năm.
Cây trồng chủ lực
Sáng sớm một ngày cuối thu, chúng tôi chạy xe máy từ TP Hải Dương theo hướng quốc lộ 5 rẽ vào cầu Mây để sang Kinh Môn. Ngay từ trên cầu, phóng tầm mắt ra xa đã thấy cảnh sắc đặc trưng của vùng đất bán sơn địa hiện ra trong sương sớm. Đó là những dãy núi non trùng điệp, là cánh đồng trải dài ngút ngát. Trên đồng, những chiếc máy làm đất đang hối hả. Những ụ rơm rạ được nông dân xếp gọn trên bờ ruộng dùng để che phủ mặt luống sau khi trồng xong hành tỏi. Dù sáng sớm nhưng không khí làm việc đã rất khẩn trương.
Chị Nguyễn Thị Nhung ở xã Hiệp Hòa đã có mặt tại ruộng từ sớm. Chị Nhung bảo, nhờ áp dụng máy móc vào sản xuất nên bây giờ nông dân trồng cây vụ đông cũng bớt vất vả. Trước kia khi dùng sức kéo của trâu bò để cày đất, sau đó dùng cuốc để lên luống, rồi lại dùng vồ, đập để cho thành và mặt luống phẳng, mỗi buổi cũng chỉ làm được từ 1-2 luống. Nay chiếc máy làm đất chỉ cần chạy 2-3 lượt trong vài phút là đã làm xong một luống đất thẳng tắp. Sức máy thay sức người, việc đưa cơ giới hóa vào trong quá trình sản xuất vụ đông đã góp phần đẩy nhanh tiến độ mùa vụ. Đối với sản xuất vụ đông, yếu tố thời vụ quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng. Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết: "Năm nay, Hiệp Hòa có 498 ha trồng cây vụ đông, trong đó diện tích hành tỏi chiếm khoảng 95%. Mỗi vụ sau khi trừ đi chi phí, bình quân bà con thu lãi khoảng 6 triệu đồng/sào, có năm lên đến 10 triệu đồng/sào. Nhân dân trong xã khấm khá cũng là nhờ cây hành, cây tỏi. Từ vài chục năm trước, nhờ hành tỏi, nhiều người đã sắm sửa ti vi, xe máy. Cho đến nay, từ tiện nghi sinh hoạt, nuôi con cái ăn học cho đến xây dựng nhà cửa phần nhiều cũng nhờ vào hai loại cây chủ lực này".
Trưa 17.10, mặc cái nắng hanh khô táp vào mặt, vợ chồng bà Mạc Thị Tỵ và các con ở khu dân cư Huề Trì 3, phường An Phụ vẫn cần mẫn mỗi người một việc. Người bón phân, người trồng tỏi, tưới nước, phủ rơm rạ. Bà Tỵ cho biết: "Mùa vụ nên phải tranh thủ từng giờ, từng phút, ăn uống cũng phải khẩn trương. Bởi thế sau khi ăn cơm trưa, vợ chồng tôi và các con cũng không nghỉ ngơi mà ra đồng ngay. Ruộng của nhà tôi gần 2 sào, hôm nay huy động toàn bộ lực lượng gần chục người chắc sẽ xong sớm". Cũng theo bà Tỵ, với sự hỗ trợ của máy móc, nông dân đã nhàn hơn nhiều. Giờ nông dân chỉ còn phải lo khâu bảo quản, chọn lọc giống hành tỏi sao cho tốt nhất bởi khâu này rất quan trọng, là một trong những yếu tố góp phần quyết định kết quả mùa vụ. Hành tỏi được chọn làm giống phải đều củ, bóng và chắc. Việc trồng hành tỏi nhìn thì tưởng đơn giản nhưng cũng phải bảo đảm đúng kỹ thuật, đặc biệt là khoảng cách trồng sao cho phù hợp. Nếu trồng dày quá thì hành tỏi sẽ bị muội, còn nếu thưa quá thì lại lãng phí đất và sản lượng thu về không như mong đợi.
Cũng tận dụng, tranh thủ thời gian nên dù ánh hoàng hôn đã bao phủ khắp cánh đồng thôn Lộ Xá, xã Thăng Long cũng không làm vơi đi không khí làm việc sôi động. Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng, ông Lương Văn Hùng, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thăng Long, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Lộ Xá bảo: “Vào vụ đông, những chiếc máy làm đất làm việc hết công suất không kể đêm ngày. Tính ra trong vòng 1 ngày đêm, mỗi chiếc máy có thể làm xong gần 1 ha đất".
Đêm tối, trên những cánh đồng ở Thăng Long vẫn có những khoảng sáng lấp loáng từ ánh đèn của những chiếc máy làm đất, đèn pin, đèn mỏ của bà con nông dân. Nhiều người tranh thủ lúc đêm tối hoặc sáng sớm trồng hành tỏi để ban ngày còn đi làm ở công ty. Từ lâu Thăng Long đã trở thành một trong những địa phương có diện tích hành tỏi lớn của thị xã. Theo ông Hùng, thấy được giá trị từ hành tỏi mang lại nên từng thửa đất nơi đây được tận dụng tối đa, không hề có diện tích đất bị bỏ hoang. Nhà nào trồng ít cũng phải 3-4 sào, nhà nhiều thì hàng mẫu. Xã Thăng Long hiện có khoảng 30 hộ có diện tích trồng hành tỏi từ 1,5 mẫu trở lên. Xen với những luống đất vừa mới làm đã có những luống hành tỏi lên xanh do được trồng từ cuối tháng 9.
Từ khi bắt đầu làm đất đến khi trồng xong hành tỏi, tiến độ sản xuất vụ đông của Kinh Môn chỉ diễn ra trong vòng 2 tuần. Vụ đông được xác định là vụ sản xuất chính mang lại giá trị, hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho người nông dân. Cả năm, nông dân Kinh Môn trông chờ vào vụ đông bởi giá trị kinh tế thu về từ hành tỏi hằng năm đều trên 1.000 tỷ đồng. Năm nay, cùng với sự háo hức, mong chờ vụ đông, nông dân Kinh Môn càng phấn khởi bởi thời tiết thuận lợi. Những vạt nắng hanh vàng trải đều trên khắp các xứ đồng là điều kiện lý tưởng để làm đất. Khi mưa xuống hoặc được tưới đủ nước, đất trở nên mềm, tơi xốp sẽ thành nơi ươm mầm những nhánh hành, nhánh tỏi. Và chỉ vài ba hôm sau, những mầm xanh dần nhú len lỏi vươn mình qua những sợi rơm rạ.
Thời điểm vào mùa, những chiếc máy làm đất chạy hết công suất không kể đêm ngày
Nâng cao giá trị
Không ai nhớ rõ hành tỏi đã bén rễ ở những xứ đồng của Kinh Môn từ bao giờ, chỉ biết rằng hai loại cây gia vị này đã phủ xanh những cánh đồng ở vùng bán sơn địa đã vài chục năm nay. Ban đầu, người dân trồng xen canh hành tỏi làm gia vị, dần dần thương lái từ nhiều nơi đổ về thu mua, mở ra cơ hội trong quá trình sản xuất và tiêu thụ cho hành tỏi Kinh Môn. Cũng vì thế mà bà con nông dân nơi đây bắt đầu chuyển sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung. Nhờ được trồng trên vùng đất hợp thổ nhưỡng và khí hậu, được chăm bón bởi đôi bàn tay dày dặn kinh nghiệm của những người nông dân cần cù, chịu thương chịu khó, hành tỏi Kinh Môn có vị cay, mùi thơm đặc trưng, củ to, chắc. Hành tỏi trở thành nông sản nổi bật của Kinh Môn bên cạnh bột sắn dây và nếp cái hoa vàng. Kinh Môn còn trở thành vựa hành tỏi của miền Bắc. Từ vùng đất này, những củ hành, củ tỏi theo chân thương lái đến khắp các tỉnh, thành phố ở các vùng miền, là rau gia vị quen thuộc, không thể thiếu của nhiều gia đình.
Năm 2017, hành tỏi Kinh Môn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể”. Đây là cơ sở để người dân tích cực sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, khẳng định thương hiệu hành tỏi Kinh Môn trên thị trường. Năm 2019, hành tỏi Kinh Môn tiếp tục khẳng định tên tuổi khi được vinh danh "Thương hiệu vàng nông nghiệp" do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam bình chọn.
Trong số những sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của thị xã Kinh Môn tính đến thời điểm này, có một số sản phẩm được chế biến từ tỏi như: Tỏi mật, rượu tỏi của Công ty TNHH một thành viên Phương Khiêm; tỏi đen Vietkiga, vang tỏi đen Vietkiga, siro tỏi đen Vietkiga (Công ty CP Sản xuất thương mại Agrico). Thời gian gần đây, các sản phẩm này đã có mặt tại nhiều hội chợ, triển lãm ở trong và ngoài tỉnh góp phần nhằm quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản OCOP chủ lực của thị xã nói chung, hành tỏi nói riêng. Năm nay, trong số 9 sản phẩm đăng ký tham gia OCOP, có 2 sản phẩm là hành khô và tỏi khô của HTX Hành, tỏi sạch Kinh Môn (xã Bạch Đằng). Thị xã Kinh Môn đã đẩy mạnh việc kết nối, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, HTX… có kế hoạch điều chỉnh quy mô sản xuất theo tín hiệu, yêu cầu của thị trường. Đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản nói chung, hành tỏi nói riêng, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và xuất xứ hàng hóa.
Cùng với sự hỗ trợ như tập huấn khoa học kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh trong quá trình trồng hành tỏi, nhiều năm nay, Kinh Môn đã triển khai các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất như hỗ trợ phân bón cho diện tích trồng tỏi. Thời gian tới, thị xã Kinh Môn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền tiến tới xây dựng những mô hình trồng hành tỏi theo quy trình VietGAP, góp phần đưa hành tỏi Kinh Môn vươn đến thị trường quốc tế trong tương lai không xa.
Vụ đông xuân 2022-2023, thị xã Kinh Môn gieo trồng 4.410ha, trong đó có 3.590 ha hành, 260ha tỏi. Các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn ở những nơi có truyền thống thâm canh, tạo thị trường tiêu thụ ổn định như các xã, phường: An Phụ, Hiệp Hòa, Quang Thành, Thăng Long, Thượng Quận... |
HUYỀN TRANG