Vương quốc Anh lại tìm thủ tướng mới
Bình luận - Ngày đăng : 09:54, 22/10/2022
Bà Liz Truss từ chức để lại những hỗn loạn trong Đảng Bảo thủ cầm quyền và chính trường Anh
Cuộc đua thay thế bà Truss trước cuối tuần sau đặt ra áp lực lớn cho đảng cầm quyền đang vừa mất tinh thần vừa chia rẽ sâu sắc. Thêm một thủ tướng từ chức cũng cho thấy những rối ren của chính trường Anh kể từ sau cuộc bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) năm 2016.
Ít nhất năm cái tên sáng giá đã xuất hiện, trong đó bao gồm người tiền nhiệm bị bà Truss đánh bại mấy tuần trước là cựu thủ tướng Boris Johnson.
Khủng hoảng chưa dứt
"Tôi thừa nhận không thể hoàn thành nhiệm vụ mà vì nó tôi được Đảng Bảo thủ bầu chọn", nữ thủ tướng 47 tuổi tuyên bố ngày 20.10, trở thành vị thủ tướng có thời gian cầm quyền ngắn ngủi nhất trong lịch sử nước Anh. Bà cho biết sẽ tiếp tục làm việc đến khi Đảng Bảo thủ chọn được người thay thế (dự kiến trong tuần tới) - người sẽ là vị thủ tướng thứ năm trong vòng sáu năm qua tại Anh.
Tuyên bố từ chức của bà Truss là đỉnh điểm của một tuần sóng gió ở Anh, sau khi Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman bị sa thải và tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đảo ngược gần như toàn bộ kế hoạch ngân sách ngắn hạn của bà Truss.
Kế hoạch ngân sách này đã gây tranh cãi nhiều tuần qua vì có thể gây ra lỗ thủng tài chính khổng lồ. Những lo ngại đã kéo đồng bảng Anh xuống gần bằng đồng USD, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp để cứu quỹ hưu trí...
Mọi thứ dường như đang vượt khỏi tầm kiểm soát. "Chúng tôi đang ở trong một cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính trị, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng mọi thứ. Người thay thế bà Truss là ai, tôi không nghĩ họ sẽ tạo ra sự khác biệt", báo New York Times dẫn lời anh Cristian Cretu, một kỹ sư khí đốt tại Anh, nói.
Sự ra đi của bà Truss, nhà lãnh đạo thứ ba liên tiếp bị Đảng Bảo thủ lật đổ, mở ra một chương bất ổn mới khi cuộc chiến phe phái trong nội bộ đảng cầm quyền ngày càng gay gắt. Tỉ lệ ủng hộ đảng này cũng đang lao dốc so với đảng đối lập Công đảng trong các cuộc thăm dò. Theo giới quan sát, dù người kế nhiệm bà Truss là ai cũng khó hàn gắn được những chia rẽ của Đảng Bảo thủ.
Không dễ tổng tuyển cử
Khi bà Truss tuyên bố từ chức tại số 10 phố Downing, trong đám đông phía dưới đã có những tiếng hô lớn đòi tổng tuyển cử. "Chúng ta cần một cuộc tổng tuyển cử. Đảng Bảo thủ liên tục cho thấy họ không còn phù hợp để lãnh đạo", báo Guardian của Anh dẫn lời ông John Hood, một cử tri 39 tuổi.
Cùng với các cử tri, phe đối lập tại Anh cũng nhắc lại yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử đã từng đưa ra khi ông Johnson từ chức vào tháng 7.2022.
Nhưng điều đó không đơn giản vì còn vướng Đạo luật kỳ hạn quốc hội cố định năm 2011. Theo luật này, cứ năm năm mới tổ chức tổng tuyển cử một lần, việc tổ chức trước hạn nếu có cũng phải thỏa mãn các điều kiện rất khắt khe và thường là khó khả thi.
Vì vậy, cho tới năm 2024, các thủ tướng của Anh nếu bị thay thế thì thực chất cũng chỉ là sự lựa chọn của các thành viên đảng cầm quyền Bảo thủ với khoảng 170.000 người. Anh có thể tổ chức bầu cử nếu có đủ số thành viên của đảng cầm quyền ủng hộ phe đối lập. Nhưng khi tỉ lệ ủng hộ Đảng Bảo thủ đang sụt giảm, việc đối mặt với cử tri lúc này không phải là ý hay.
Đối với Đảng Bảo thủ, việc chọn ra lãnh đạo đảng sẽ dễ dàng hơn. Quy trình bỏ phiếu rất đơn giản. Bất cứ ứng viên nào được hơn 100 thành viên ủng hộ đều có thể tham gia cuộc đua. Vòng bỏ phiếu đầu tiên ngày 24.10 sẽ chọn ra hai ứng viên vượt trội nhất để bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai của toàn bộ thành viên trong đảng. Tân thủ tướng dự kiến sẽ được công bố vào ngày 28.10, theo Hãng tin Reuters.
Ngày 21.10, dù chưa ai tuyên bố ứng cử nhưng truyền thông Anh đã điểm ra những gương mặt sáng giá có thể thay thế bà Truss. Trong đó, dẫn đầu là cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak và cựu thủ tướng Boris Johnson.
Ứng viên được đánh giá cao trong nội bộ Đảng Bảo thủ là cựu bộ trưởng quốc phòng Penny Mordaunt. Những cái tên khác được nhắc đến còn có Kemi Badenoch, Grant Shapps hay cựu thủ tướng Theresa May.
Theo Tuổi trẻ