Cuốn sách về quê hương Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 10:04, 22/10/2022
Sách “Lịch sử - Văn hóa làng Nghĩa Phú” đang lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh
Quê hương của Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh là làng Nghĩa Phú hay còn gọi là làng Xưa, thuộc xã Nghĩa Phú (Cẩm Giàng). Nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu, nghiên cứu, giữ gìn di sản văn hóa và phong tục tập quán của vùng đất này, Bảo tàng tỉnh đã cho ra đời cuốn sách “Lịch sử - Văn hóa làng Nghĩa Phú”.
Theo các nguồn tài liệu còn lưu giữ được, bước đầu có thể xác định làng Nghĩa Phú ra đời muộn nhất vào thời Lý, cách đây khoảng 800 năm. Tương truyền, làng Nghĩa Phú xưa có thế đất hình "ngũ long, ngũ nhạc", tượng trưng cho 5 con rồng và 5 ngọn núi, ngự trị canh giữ các khu vực đình, chùa, miếu và các xóm. Xen kẽ giữa các dải đất này là hệ thống sông ngòi, ao hồ dày đặc. Đến nay, dấu vết của "ngũ long, ngũ nhạc" vẫn còn. "Ngũ long" là 5 dải đất thon dài, uốn lượn, nhô cao, ở các xóm trong làng, mà hệ thống 10 giếng cổ được coi là những "mắt rồng". Dấu vết của "ngũ nhạc" là 5 gò đất cao nổi lên phía sau đình làng.
Theo quan niệm của người xưa, Nghĩa Phú là “mảnh đất thiêng”, thích hợp cho khí và nước vận hành, lưu chuyển, vạn vật sinh sôi, từ đó con cháu hưng thịnh, hiển vinh đỗ đạt.
Cuốn sách được xuất bản từ nỗ lực nghiên cứu, sưu tầm tài liệu hiện còn kết hợp với nhiều chuyến đi điền dã tìm hiểu mảnh đất này của các cán bộ, chuyên viên Bảo tàng tỉnh. Ban Biên tập chia cuốn sách thành 2 phần, phần I giới thiệu về đất và người, phần II giới thiệu về di sản văn hóa làng Nghĩa Phú. Phần I thông tin về sự hình thành làng, vị trí địa lý và tên gọi qua các thời kỳ, đặc điểm dân cư, những nhân vật tiêu biểu mà 2 trong số đó là Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh, Tiến sĩ Nho học Nguyễn Danh Nho - người văn hay, chữ đẹp, từng được cử đi sứ sang Trung Quốc, làm rạng rỡ uy danh của người Việt và có công sao chép bia mộ của Đại danh y Tuệ Tĩnh mang về. Phần II tiếp tục giới thiệu các di sản văn hóa vật thể gồm các di tích lịch sử, nhà thờ họ, nhà cổ, di vật, cổ vật tiêu biểu, di sản Hán Nôm và các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội truyền thống, nghề cổ truyền, phong tục tập quán, tri thức, văn nghệ dân gian…
Cuốn sách được phát hành năm 2017, đang lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh.
BÌNH AN