Những nông dân Gia Lộc mê thuyền chải

Trong tỉnh - Ngày đăng : 14:00, 22/10/2022

Tranh thủ lúc nông nhàn, những nông dân của một số địa phương huyện Gia Lộc lại tập luyện đua thuyền chải. Không chỉ rèn luyện sức khỏe, họ còn vô địch nhiều giải đấu.


Bơi chải là một thế mạnh trong thể thao của huyện Gia Lộc. Trong ảnh: Đội thuyền chải của Gia Lộc vô địch tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ IX

Chinh phục nhiều giải đấu

Bà Vũ Thị Bề ở thôn Hạ Bì năm nay đã 57 tuổi nhưng vẫn là thành viên đội đua thuyền chải của xã Yết Kiêu. Từng chinh phục nhiều giải đấu, bây giờ không còn sung sức như xưa, nhưng kỹ thuật, tâm lý thi đấu là những kinh nghiệm quý được bà truyền cho con cháu để giành chiến thắng.

Bà Bề chưa phải là người lớn tuổi nhất tham gia thi đấu. Ở thôn Hạ Bì, bà Vũ Thị Giải năm nay đã 72 tuổi vẫn là thành viên của đội tuyển đua thuyền chải. Tại Giải đua thuyền chải thuộc Đại hội Thể dục thể thao Hải Dương lần thứ IX năm 2022 tại hồ Bạch Đằng vừa qua, bà Giải vẫn cầm mõ giữ nhịp trên thuyền. Tại giải đấu này, Gia Lộc có 3 đội thi, vô địch 4 trong tổng số 6 nội dung, gồm: thuyền nam, thuyền nữ (cùng cự ly 500 m) và thuyền nam, thuyền nữ cự ly 1.000 m. Huyện Gia Lộc còn giành huy chương bạc và huy chương đồng ở các nội dung thuyền nam, thuyền nữ, thuyền nam-nữ phối hợp (cự ly 500 m); thuyền nam, thuyền nam-nữ phối hợp (cự ly 1.000 m). 

Đặc biệt những vận động viên này toàn bộ là nông dân, công nhân tranh thủ lúc nhàn rỗi là họ luyện tập. Cả khúc sông Đĩnh Đào, đoạn gần đền Quát thường huyên náo giọng của những tay chèo mỗi khi đội đua thuyền chải luyện tập. Lãnh đạo Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Gia Lộc cho biết đua thuyền chải được cho là xuất phát từ Gia Lộc, từ xưa đến nay là một thế mạnh trong các môn thể thao của huyện. Thuyền chải đặc biệt phát triển tại những xã dọc sông Đĩnh Đào. Trong đó Yết Kiêu là một trong những xã phát triển mạnh môn thể thao này. Từ xa xưa, người dân ở đây bám sông nước và phát triển nghề chài lưới nên có điều kiện luyện tập. Thôn Hạ Bì của xã Yết Kiêu còn là quê hương của danh tướng Yết Kiêu thời Trần-vị tướng đặc biệt giỏi về thủy chiến. Qua bao thế hệ, người xã Yết Kiêu vẫn luôn giỏi trên sông nước, trong đó có đua thuyền chải.

Trong các giải đấu, đội thuyền chải của Gia Lộc luôn chiếm ưu thế tuyệt đối, giải thuộc Đại hội Thể dục thể thao tỉnh vừa qua là một ví dụ. 

Huyện Gia Lộc có 12 đội tuyển đua thuyền. Giải đua thuyền chải thuộc Đại hội Thể dục thể thao huyện diễn ra sau đại hội của tỉnh đúng 1 ngày và được tổ chức tại địa điểm truyền thống là đoạn sông Đĩnh Đào, trước cửa đền Quát (xã Yết Kiêu). Thị trấn Gia Lộc giành 6 huy chương vàng, 6 huy chương bạc, 6 huy chương đồng; xã Yết Kiêu, Thống Kênh cùng giành 3 huy chương vàng.

Lịch sử lâu đời

Ông Vũ Hoàng Sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Gia Lộc cho biết bơi thuyền chải còn gọi là bơi chiềng, bơi mừng thành, bơi biểu diễn, là nghi thức không thể thiếu tại Lễ hội đền Quát-nơi thờ thần tướng Yết Kiêu. Lịch sử bơi chiềng của người dân thôn Quát có từ rất lâu đời, mỗi khi lễ hội diễn ra, người dân dù làm ăn ở đâu xa đều thu xếp thời gian để về dự hội và tham gia nghi thức bơi chiềng. Người về đều phải mang chải theo để tham gia. Nhưng ngày nay, lòng sông hẹp và bị ngăn lại, không còn thông thuỷ nên việc người dân đem chải về không còn nữa mà địa phương chuẩn bị chải để cho họ biểu diễn bơi mừng thánh.

Trước khi bơi chiềng, đoàn vận động viên bơi chải tập trung tại bãi bơi, mỗi đội 2 hàng. Khi ban tổ chức mời thì đoàn vận động viên tiến vào sân dự lễ dâng hương và thực hiện nghi lễ bơi chiềng. Khi lên lễ đức thánh thì người cầm lái đứng ở giữa, bên trái là người phất cờ, bên phải là người đánh mõ từ từ tiến lên dâng hương và đứng thành hàng ngang làm lễ phủ phục, lễ 3 lễ, còn các vận động viên đứng thành 2 hàng dọc theo đội, đội trưởng đứng trước.

Trong bơi chải, người cầm lái đứng ở giữa, bên trái là người phất cờ, bên phải là người đánh mõ. Khi xuống thuyền, người cầm lái xuống trước, tiếp đến là các vận động viên xuống theo 2 hàng dọc song song từng đôi một để tạo sự cân bằng cho thuyền, sau đó đến người đánh mõ và người phất cờ xuống cuối cùng. Khi các vận động viên đã xuống đến chải ổn định vị trí xong thì nghe theo hiệu lệnh, các chải bơi lần lượt tiến về phía trước dòng sông theo hàng một để bắt đầu thi đấu. Khi bơi thì người phất cờ 2 tay cầm 2 lá cờ đuôi nheo, đứng dưới lòng thuyền ở phía đầu mũi, lúc thì phất chéo tay hoặc có lúc thì tay lên tay xuống. Người đánh mõ đứng ở giữa thuyền, một tay cầm mõ, một tay cầm dùi, khi đánh có nhiều động tác lúc thì giơ lên đầu, lúc lại luồn xuống khuỷu chân hoặc đưa ra sau lưng trông giống một nghệ sĩ đang múa và miệng bắt nhịp đồng thanh cùng vận động viên hô: Dô huậy, dô huậy, huậy dô huậy… Những tiếng hô cùng với nhịp phất cờ, tiếng mõ và tiếng reo hò trên bờ cổ vũ các đội bơi...

"Lịch sử bơi chải của Gia Lộc được cho là hình thành từ thời tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa, đặc biệt phát triển ở các thôn bám theo sông Đĩnh Đào như Hạ Bì, Hoàng Kim và Khuông Phụ (xã Yết Kiêu); Lạc Thượng (Thống Kênh). Bơi chải đã trở thành môn thể thao, một nghi thức không thể thiếu của lễ hội đền Quát và là thế mạnh trong thể thao của huyện. Rất tiếc giới trẻ hiện nay không mặn mà với môn thể thao truyền thống này", ông Vũ Hoàng Sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Gia Lộc nói.

TIẾN HUY