Ban Thanh tra nhân dân ở nhiều nơi hoạt động hình thức

Tin tức - Ngày đăng : 05:30, 23/10/2022

Chiều 22.10, thảo luận tại hội trường Diên Hồng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hải Dương góp ý 4 nội dung còn vướng mắc trong dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.


Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương góp ý 4 nội dung còn vướng mắc trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Thứ nhất, về việc thành lập và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (BTTND), Ban này được quy định thành lập ở các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị và các tổ chức sử dụng lao động khác. Xét theo các chức năng, nhiệm vụ Ban, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng việc mở rộng phạm vi các đơn vị, tổ chức phải thành lập có mặt tích cực, góp phần nâng cao việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, nhiều cơ quan, tổ chức không thành lập BTTND theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010 hoặc có thành lập nhưng hoạt động hình thức.

"Để bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức thành lập và duy trì hoạt động của BTTND đúng quy định, phát huy các chức năng, trách nhiệm, quyền hạn của Ban thì cần quy định cơ chế, chế tài để các đơn vị, tổ chức phải tuân thủ. Đồng thời khắc phục tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức không có BTTND theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010 như hiện nay, đặc biệt là khi dự thảo đã mở rộng phạm vi thành lập BTTND đến các các tổ chức sử dụng lao động ngoài nhà nước", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại hội trường.

Về kinh phí hoạt động, dự thảo Luật quy định kinh phí hoạt động của BTTND do Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn, ban chấp hành công đoàn hỗ trợ. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động của BTTND tại các cơ sở hầu hết đều hạn chế nên cần có quy định mức kinh phí tối thiểu phải bố trí cho BTTND xã, phường, thị trấn và tỷ lệ phần trăm kinh phí bố trí cho hoạt động của BTTND trong tổng kinh phí của công đoàn cơ sở.

Liên quan đến nhiệm kỳ, đại biểu đề nghị BTTND ở tổ chức sử dụng lao động có nhiệm kỳ 2 năm cần được sửa đổi tương tự như quy định BTTND ở xã, phường, thị trấn theo nhiệm kỳ của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trên cùng địa bàn. Theo đó, sửa đổi thành nhiệm kỳ của BTTND tại cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động theo nhiệm kỳ của ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Với quy định đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp của thôn, tổ dân phố, dự thảo nêu rõ “đại diện hộ gia đình là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có khả năng đại diện được cho các thành viên hộ gia đình; trường hợp hộ gia đình không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì đại diện hộ gia đình là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử hoặc ủy nhiệm”. Tuy nhiên, trong trường hợp hộ gia đình đã không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì những người trong gia đình đó không thể có đủ năng lực để thống nhất đề cử hoặc ủy nhiệm cho một đại diện hộ gia đình, nếu có thống nhất được thì việc thống nhất đó cũng không bảo đảm tính tự nguyện vì các thành viên đều không ở trạng thái có đầy đủ nhận thức. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị ban soạn thảo xem xét sửa đổi quy định này.

PV