Học thêm có phải là giải pháp duy nhất?

Góc nhìn - Ngày đăng : 10:43, 23/10/2022

Có nhiều nguyên nhân khiến cả giáo viên và học sinh rơi vào vòng luẩn quẩn dạy và học thêm mà chưa tìm được đường thoát.

Cháu tôi theo mẹ sang Đức được 2 năm. Nhắc đến chuyện học thêm, cháu kể hồi học lớp 5 ở nhà, ngoài học trên lớp, tuần nào cháu cũng phải đi học thêm toán, tiếng Anh... Lịch học kín cả tuần. Có hôm chủ nhật cháu cũng phải đến nhà cô học để chuẩn bị thi cuối kỳ. Cháu bảo thích sống ở Việt Nam hơn nhưng học ở Đức thích hơn vì áp lực học không nhiều và không phải đi học thêm.

Quy định về dạy thêm, học thêm đã có nhưng chuyện dạy thêm tràn lan vẫn diễn ra ở một số nơi. TP Hải Dương đã phải có văn bản riêng để chấn chỉnh tình trạng này. Mới đây một phụ huynh của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) vì bức xúc trước việc con mình “bị ép” học thêm đã phải lên tiếng phản ánh với cơ quan truyền thông của tỉnh. Theo phản ánh, thì vị phụ huynh này đã được giáo viên của trường vận động cho con đi học thêm với nhiều hình thức. Khi thành phố cấm dạy thêm tại nhà, giáo viên đó đã “lách” quy định chuyển sang dạy trực tuyến hoặc chuyển địa điểm dạy ra khỏi thành phố để tránh bị kiểm tra, phát hiện.

Ảnh minh họa 

Nhiều phụ huynh không muốn con mình phải đi học thêm nhưng vì bài tập cô cho quá khó, không dạy được nên đành phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" cho con đi học. Hình ảnh những bậc phụ huynh sau giờ tan làm tất tả đến trường đón con rồi mua vội ổ bánh mỳ, nắm xôi hay bánh bao cho con ăn tạm rồi lại chở con đi học thêm chắc không hiếm thấy ở nhiều nơi. 

Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ cả giáo viên và phụ huynh. Nhiều phụ huynh không có thời gian hoặc không có kỹ năng nghiệp vụ phù hợp để hướng dẫn con học tại nhà. Thậm chí nhiều gia đình coi nặng “thành tích”, lo sợ con mình nếu không đi học thêm sẽ thua bạn, kém bè, tự ti, chán học. Bản thân giáo viên cũng bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này. Nếu không dạy thêm, học sinh học kém, chất lượng không bằng các lớp khác thì sẽ bị lãnh đạo khiển trách, uy tín giảm sút. Ngoài ra, với đồng lương ít ỏi nếu so với chỉ dạy trên lớp thì giáo viên dạy thêm sẽ có thu nhập khá hơn. 

Những nguyên nhân trên đã khiến cả giáo viên và học sinh rơi vào vòng luẩn quẩn dạy và học thêm mà chưa tìm được đường thoát. 

Tại sao ở các nước phát triển không quá chú trọng việc học thêm trong khi một nước đang phát triển như Việt Nam, thu nhập của người dân chưa cao thì học sinh ở cả thành thị và nông thôn đang phải đi học thêm rất nhiều. Vì học quá nhiều cả trên lớp và học thêm, không có thời gian để nghỉ ngơi nên mới có chuyện gần đây ở TP Hồ Chí Minh nhiều phụ huynh đã đề xuất cho lùi thời gian vào học vì có nhiều em đến trường nhưng vẫn buồn ngủ. Nếu như ngày nào các em cũng phải đi học thêm từ 7- 9 giờ tối, về ăn cơm, tắm giặt, giải quyết số bài tập về nhà không nhỏ thì trẻ phải đi ngủ muộn và thức dậy vẫn lơ mơ vào ngày hôm sau cũng dễ hiểu.  

Vậy học thêm có phải là giải pháp duy nhất để các con học tốt và cho mình một tương lai rộng mở hơn? Xin kể câu chuyện của một doanh nhân ở TP Hải Dương để cùng suy ngẫm. Nhà có điều kiện nên người này khá chăm chút việc học của con. Anh không tiếc tiền cho con đi học thêm ở nhiều nơi, thuê gia sư về kèm riêng nhưng rốt cuộc con anh học không vào. Cuối cùng anh buông xuôi và chấp nhận cho con thi vào một trường nghề thay vì một trường đại học danh tiếng anh muốn. Vốn đam mê ô tô, nên con anh học khá nhanh và có nhiều sáng kiến để cải tiến quy trình sửa chữa ngay khi còn học ở trường. Kiến thức tốt, kỹ thuật giỏi nên chưa ra trường con anh đã được Công ty TNHH Ford Việt Nam đăng ký tuyển dụng với mức lương hậu hĩnh. Cuối cùng anh kết luận: “Học thêm không phải là giải pháp duy nhất”.

HẢI MINH