Hạnh phúc tuổi xế chiều

Gia đình - Ngày đăng : 20:30, 23/10/2022

Bữa tiệc cưới giản dị của đôi vợ chồng già diễn ra trong không khí đầm ấm, thân mật. Bà Lan như được sống trong câu chuyện cổ tích về tình yêu.


Ông Thân nhìn bà một cách âu yếm và khẽ nở một nụ cười dịu dàng. Bà ngượng ngùng nhìn xuống chân, mặt hơi đỏ. Anh con rể ông Thân cầm chiếc máy ảnh ra đứng trước, hơi cúi người rồi khẽ nói: “Nào mời bà nghiêng đầu vào vai ông để con bấm máy nào!”. Đám con cháu của cả ông và bà đồng loạt vỗ tay hưởng ứng. Cả ông Thân và bà Lan đều bối rối, ngại ngần, chân tay cứ như thừa ra. Bé Ngọc - cháu ngoại bà Lan, ôm một bó hoa chạy đến bên ông bà và nói: “Cháu kính chúc ông bà hạnh phúc ạ!”. Ông bà xúc động rơm rớm nước mắt. Cả hai đều ở tuổi lục tuần, song họ đã tìm thấy hạnh phúc thực sự - cái hạnh phúc riêng tư rất chính đáng mà không may họ bị mất đi từ nhiều năm nay...

Chồng bà Lan hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khi bà mới 22 tuổi sau hơn một năm ngày cưới. Mấy chục năm nay, bà quên đi hạnh phúc riêng tư, ở vậy chăm sóc bố mẹ chồng, nuôi cô con gái duy nhất trưởng thành. Cách đây mấy năm, bố mẹ chồng bà lần lượt qua đời. Mai - con gái bà cũng tốt nghiệp đại học và lập gia đình riêng. Mai nhiều lần khuyên mẹ đi bước nữa và cũng đã mai mối cho bà vài người,  hy vọng mẹ có người bầu bạn nhưng bà đều từ chối. Con gái đi lấy chồng, nhà cửa quạnh quẽ, vắng vẻ bà mới thấm thía cảnh sống chăn đơn gối chiếc. 

Để khuây khoả những tháng ngày rảnh rỗi sau khi nghỉ hưu, bà Lan tham gia vào câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh của Hội Người cao tuổi xã nhà. Và ở đây, bà đã gặp ông Thân - một người cũng đang sống độc thân sau khi vợ mất cách đây gần chục năm. Các con ông Thân cũng đều trưởng thành và ra sống riêng hết. Hoàn cảnh giống nhau khiến ông Thân và bà Lan dễ đồng cảm với nhau. Ngoài những buổi sinh hoạt câu lạc bộ, ông Thân còn thường lui tới nhà bà Lan để trò chuyện và giúp đỡ bà những công việc nhỏ như đóng lại cái chân bàn, chân ghế; lắp bóng đèn; sửa lại hàng rào ngoài vườn… Hai ông bà thường tâm sự với nhau về chuyện con cháu, động viên an ủi nhau để quên đi những buồn tủi của cảnh sống một mình. Rồi dần dần, tình cảm đã nảy sinh khiến ông bà như được sống lại tuổi mười tám đôi mươi sôi nổi thuở nào. Cả ông Thân và bà Lan đều cảm thấy vui vẻ, yêu đời hơn, nhờ đó sức khỏe cũng tốt lên nhiều.

Nhưng trước mối quan hệ thân tình của đôi bạn già ấy, các con của ông Thân lại ra sức ngăn cản. Họ bảo ông là người gàn dở, bằng ấy tuổi rồi mà còn yêu với chả đương, làm xấu mặt con cháu… Nhưng rồi một đêm khó ngủ, ông trở dậy ra ngoài và bị ngã khi bước xuống bậc tam cấp. Mãi gần đến sáng, một người hàng xóm đi qua mới biết và giúp đưa ông vào bệnh viện. Các con bận rộn không chăm sóc ông được mấy. Bao nhiêu ngày ông Thân nằm viện là bấy nhiêu ngày bà Lan tận tình chăm ông. Ngồi bên cha trong bệnh viện, thấy được sự chăm sóc ân cần mà dịu dàng, hiền hậu của bà Lan, các con của ông mới thấu hiểu câu nói tự bao đời nay: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Sau lần đó, cả ba người con của ông đều thay đổi suy nghĩ và thấy vui mừng khi ông tìm được hạnh phúc của mình. Họ chủ động bảo ông tổ chức mấy mâm cơm tuyên bố rồi đón bà Lan về chung một nhà để ông bà sớm tối có nhau.

Hạnh phúc ông bà tìm được tuy muộn mằn song thật nhiều ý nghĩa. Trong niềm hạnh phúc của mình, ông Thân nói: “Thật tiếc cho những bạn già như chúng tôi đã không dám đấu tranh với bản thân và với dư luận xã hội để giành lấy hạnh phúc cho riêng mình…”.

​ĐỖ THỊ THU