Gia đình là "lá chắn" bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Đời sống - Ngày đăng : 05:47, 24/10/2022

Thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử và internet của trẻ em những năm gần đây tăng mạnh. Bên cạnh những tác động tích cực, không gian mạng cũng có những ảnh hưởng tiêu cực tới các em.


Các bậc cha mẹ cần dành thời gian để cùng con tham gia các hoạt động bổ ích khác ngoài xem điện thoại hay máy tính

Mạng ảo, hậu quả thật

Công việc kinh doanh bận rộn nên chị Nguyễn Thị Hà (ở phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương) không có nhiều thời gian chăm con. Hễ con nghỉ học ở nhà là chị Hà lại đưa điện thoại cho con vào xem YouTube. Con chị Hà xem nhiều phim hoạt hình trên điện thoại nên cứ nằng nặc đòi mẹ mua quần áo siêu nhân cho mặc. Chủ quan nghĩ con xem phim nhiều thì thích mặc đồ giống nhân vật hoạt hình, nhưng không ngờ một thời gian sau tính tình con khác lạ. “Có hôm cháu đòi mặc quần áo siêu nhân, cầm kiếm trèo lên đống gạch trước cửa nhà nhảy xuống gãy tay. Lúc đó tôi mới nhận ra con có vấn đề. Sau đó, tôi chấp nhận đóng cửa hàng sớm về chơi với con nhiều hơn. Tôi đã tách được con ra khỏi điện thoại và kiểm soát chặt hơn các chương trình con xem trên ti vi. Tâm lý cháu dần ổn định và giờ không như vậy nữa”, chị Hà kể.

Những tác động của internet đối với con trẻ khá rõ rệt. Những trẻ lớn hơn còn phải đối diện tình trạng bắt nạt trên mạng. Câu chuyện mà chị Hoàng Thị V. (ở phường Quang Trung, TP Hải Dương), phụ huynh của một học sinh đang học lớp 8 chia sẻ đã khiến không ít người bất ngờ. Vào năm học mới được 3 tuần thì chị thấy con bắt đầu nhịn ăn sáng, bữa trưa ăn rất ít. Có hôm chị thấy con ăn xong thì chạy ngay vào nhà vệ sinh nôn ọe. Tưởng con bị bệnh, cuối tuần đưa con đi khám thì cháu nhất quyết không đi. Gặng hỏi mãi chị V. mới biết bức ảnh con đăng trên Facebook bị bạn bè vào bình luận chê bai bằng những lời khiếm nhã khiến con tủi hổ, muốn giảm cân nên tìm cách móc họng sau ăn. “Cháu bị bạn bè bình luận là béo như con lợn, mỡ lấp hết óc… nên thấy xấu hổ và hành động như vậy. Rất may tôi phát hiện sớm nếu không con nhịn ăn rồi tìm cách mua thuốc giảm cân về uống thì không biết hậu quả sẽ ra sao?”, chị V. lo lắng nói.

Khi trẻ bị bạo hành về thể xác cha mẹ rất dễ nhận ra nhưng nếu trẻ bị "bắt nạt" trên mạng thì rất khó phát hiện. Phần lớn các em khi bị "bắt nạt" trên mạng thường giấu, ngại chia sẻ với người thân. Các em phải một mình gánh chịu tổn thương, lâu dần dẫn đến uất ức và nảy sinh các hành động dại dột. Không những vậy, thời gian gần đây trên mạng còn xuất hiện video hướng dẫn các em tham gia các trò chơi nguy hiểm như “Cá voi xanh” hay “Thử thách momo”... Hậu quả, 2 năm trước, một bé trai 8 tuổi ở Đồng Nai đã mất mạng khi tham gia "Thử thách momo”.

Theo đại diện Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là việc làm rất cần thiết giai đoạn hiện nay. Theo số liệu thống kê của Tổng đài 111 (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em), từ năm 2020 đến nay, trẻ em và người lớn chăm sóc trẻ em gọi đến để trao đổi về những trường hợp bị xâm hại trên mạng có xu hướng tăng. Năm 2020, số trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng chiếm khoảng 2% trong số những cuộc gọi tư vấn và can thiệp chuyên sâu. Đến năm 2021, có khoảng 3,5% và trong 9 tháng của năm 2022 con số này đã ở mức hơn 4%. Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là việc làm cần thiết, đòi hỏi phải có sự chung tay của nhiều phía và những người thân trong gia đình phải hành động trước.


Để bảo vệ con trước hết cha mẹ phải am hiểu internet

Đồng hành cùng con

Khi con làm theo những trò chơi mạo hiểm của phim hoạt hình chị Hà nhận ra rằng để bảo vệ con thì cha mẹ phải biết quan tâm, chia sẻ. “Nếu tôi cứ mải mê kiếm tiền để con học theo những trò nguy hiểm thì thật đáng trách. May sao tôi đã sớm nhận ra, dành nhiều thời gian bên con hơn. Tôi không cấm con vào mạng nhưng cùng con xem những chương trình có ích. Tôi cũng hạn chế cho con dùng điện thoại hơn trước và dành thời gian cho con đi công viên, về quê. Giờ cháu đã khác hẳn, bớt cáu bẳn, biết giúp mẹ việc nhà”, chị Hà nói.

Internet và mạng xã hội chứa đựng nhiều thông tin có ích. Trong thời đại công nghệ số, chúng ta không thể cấm trẻ em tham gia vào không gian mạng, bởi điều này sẽ hạn chế trẻ tiếp cận thông tin, tri thức mới, bắt nhịp với xu hướng phát triển của thời đại.

Theo ông Nguyễn Trọng Thắng, Trưởng Phòng Thông tin-Báo chí-Xuất bản (Sở Thông tin và Truyền thông), thời gian qua, sở đã tăng cường hướng dẫn, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí tuyên truyền về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, chú trọng tuyên truyền trên trang Chính quyền điện tử tỉnh,  Trang tin Hải Dương, ứng dụng Smart Hải Dương, Cổng thông tin đối ngoại… Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Chương trình này sẽ giúp trẻ em tương tác lành mạnh và sáng tạo trên không gian mạng… Tuy nhiên, ông Thắng cũng khẳng định để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng thì gia đình vẫn phải là gốc. Ngoài học trên trường, thời gian tiếp xúc với internet hay mạng xã hội của các em chủ yếu là ở nhà. Vì thế cha mẹ phải luôn đồng hành cùng các con, là người tư vấn, hướng dẫn các em xem hoặc tham gia các chương trình bổ ích trên mạng chứ không nên cấm đoán hay tách rời các em ra khỏi môi trường này.

Phụ huynh cũng phải có kỹ năng sử dụng internet. Ngoài định hướng, họ cũng cần biết hướng dẫn các con sử dụng internet, mạng xã hội an toàn, lành mạnh.

 LAN ANH