Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cây vụ đông sớm sau mưa

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 13:37, 24/10/2022

Bà con cần lưu ý một số biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại đối với cây trồng vụ đông sớm trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, ẩm độ cao với từng loại cây trồng.


Sau khi nước rút cần tác động mọi biện pháp để khôi phục và phát triển bộ rễ


Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng và quá trình sinh trưởng, phát triển của cây màu vụ đông sớm.

Trước diễn biến thời tiết phức tạp, mưa nhiều bà con nông dân khẩn trương ra đồng vét rãnh, tháo nước nhanh ra khỏi ruộng, hạn chế tình trạng cây vụ đông bị ngập, gây chết cây. Sau 2 - 3 ngày tạnh ráo tiến hành dặm lại những cây bị chết, phá váng, vun luống, tưới bổ sung phân lân Lâm Thao từ 3 - 5 kg/sào hoặc phân bón lá như ET, KH,… để kích thích bộ rễ phát triển kết hợp phun thuốc phòng trừ nấm để ngừa bệnh chết yểu cây.

Đồng thời, bà con cần lưu ý một số biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại đối với cây trồng vụ đông sớm trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, ẩm độ cao với từng loại cây trồng như sau:

1. Đối với cây cải bắp:

- Vét rãnh, vun luống cao, để tăng khả năng thoát nước tốt cho cây.

-  Tỉa bớt lá già, lá bị bệnh.

- Phòng trừ bệnh thối gốc sử dụng thuốc: Validacin, Topsin M,…

- Phòng trừ bệnh thối nhũn sử dụng thuốc: Monceren 250 SC, Alfamil 35 WP,…

- Phòng trừ bệnh đốm vòng hại cải bắp phun Alfamil 35 WP, Topsin M,…

2. Đối với cây khoai tây:

-  Sau mưa kéo dài, tranh thủ nước rút đến đâu khi đất đạt đổ ẩm phù hợp 75 - 80% (bóp đất đã tơi) là tranh thủ trồng khoai tây ngay.

- Đất phải được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, lên luống cao 20-25 cm, luống rộng 1,2 m (bao gồm cả rãnh luống), mặt luống rộng 90 cm, luống khoai tây trồng hàng đôi.

3. Đối với cây rau:

 - Chỉ sau 2 - 3 ngày ngập úng thì bộ rễ đã bị hư hỏng nặng. Do vậy ngay sau khi nước rút cần tác động mọi biện pháp để khôi phục và phát triển bộ rễ như tưới lân hoặc phun siêu lân.    

Lưu ý: tuyệt đối không được bón phân ngay (nhất là phân đạm).

Sau khi cây phục hồi, có rễ và lá mới thì tiến hành bón phân, chăm sóc bình thường.   

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn