7 lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc
Thế giới - Ngày đăng : 15:03, 24/10/2022
Trong phiên họp toàn thể đầu tiên ngày 23.10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX đã bầu 24 thành viên Bộ Chính trị và 7 Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Các Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị là những lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc, bởi đây là cơ quan thực hiện các nghị quyết của Đại hội đảng, chỉ đạo toàn bộ công tác đảng, đại diện cho Ủy ban Trung ương và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong quan hệ đối ngoại.
Ban Thường vụ Bộ Chính trị hoạt động theo nguyên tắc "tập thể lãnh đạo", đồng nghĩa 7 ủy viên đều có phiếu bầu ngang nhau, trong đó Tổng Bí thư Tập Cận Bình được coi là "lãnh đạo hạt nhân", theo Điều lệ Đảng sửa đổi.
Ông Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình, 69 tuổi, tái đắc cử Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời được tái bổ nhiệm làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Đây là nhiệm kỳ thứ ba ông đảm nhận các chức vụ này.
Ông Tập quê ở tỉnh Thiểm Tây, tốt nghiệp cử nhân Đại học Thanh Hoa năm 1979, một trong những đại học nổi tiếng nhất Trung Quốc. Năm 2002, ông Tập lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa. Ông từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, Bí thư Thành ủy Thượng Hải và Phó Chủ tịch Trung Quốc.
Tháng 11.2012, ông Tập trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, tái đắc cử nhiệm kỳ hai trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 năm 2017. Từ tháng 3.2013 tới nay, ông Tập là Chủ tịch Trung Quốc.
Trong một thập kỷ ông Tập nắm quyền, Trung Quốc đã đạt nhiều thành tựu về xóa đói giảm nghèo. Năm 2013, Trung Quốc có 82 triệu người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Đến năm 2019, con số này giảm xuống còn 6 triệu người.
Tài sản của các gia đình Trung Quốc đã tăng mạnh. Thu nhập trung bình của mỗi gia đình thành thị đã tăng 66% từ năm 2013 đến 2020, theo thống kê của Chính phủ. Tỷ lệ này trong các gia đình nông thôn là 82% trong cùng giai đoạn. Trung Quốc cũng đẩy mạnh chương trình không gian vũ trụ và cải thiện hạ tầng giao thông.
Một dấu ấn đậm nét khác trong thập kỷ lãnh đạo của ông Tập là cuộc chiến chống tham nhũng. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc hôm 17.10 cho biết trong một thập kỷ qua, Trung Quốc điều tra tham nhũng gần 5 triệu đảng viên, trong đó 553 người bị truy tố hình sự.
Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội Đảng hôm 16.10, ông Tập nhấn mạnh sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong nỗ lực "chấn hưng vĩ đại" của đất nước. Nhưng đồng thời, ông cũng nhiều lần nhấn mạnh những rủi ro và thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt, trong đó có đại dịch Covid-19, vấn đề Hong Kong và Đài Loan.
Lần đầu tiên tại Đại hội Đảng, ông Tập đề cập mục tiêu "cân bằng phát triển và an ninh". Ông cho rằng Trung Quốc đã đạt được "bước nhảy vọt lịch sử" về sức mạnh kinh tế quốc gia, nhưng đề cao vấn đề bảo đảm an ninh và cảnh báo đất nước có thể đối mặt "bão tố" trong quá trình phát triển.
Ông Lý Cường
Ông Lý Cường, 63 tuổi, là Bí thư Thành ủy Thượng Hải, trung tâm tài chính hàng đầu của Trung Quốc. Ông quê ở tỉnh Chiết Giang, theo học ngành cơ giới hóa nông nghiệp tại Đại học Nông nghiệp Chiết Giang.
Sau khi tốt nghiệp, ông đảm nhiệm các vị trí trong chính quyền tỉnh Chiết Giang trước khi trở thành Bí thư Thành ủy Ôn Châu. Năm 2005, ông Lý Cường trở thành thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang, dưới quyền Bí thư Tỉnh ủy khi đó là ông Tập Cận Bình.
Ông Lý Cường được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Chiết Giang vào tháng 1.2013, ba năm sau đó trở thành Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô. Tháng 10.2017, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải.
Năm 2015, ông Lý đã tháp tùng ông Tập trong chuyến thăm tới Washington, gặp Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama. Tại Seattle, ông Lý đã có bài phát biểu kêu gọi hợp tác nhiều hơn giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc.
Trong thời gian Thượng Hải phong tỏa vì Covid-19 nửa đầu năm nay, ông Lý liên tục xuất hiện trên truyền thông nhà nước khi đến thăm các khu dân cư và bệnh viện. Ông nhấn mạnh đường lối chống dịch là "thực hiện các chỉ thị quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và duy trì chính sách Không Covid linh hoạt".
Ông Lý đã thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực đồng bằng sông Trường Giang cũng như giám sát việc mở rộng khu thương mại tự do của Thượng Hải, nơi có nhà máy sản xuất ôtô Tesla của Mỹ cũng như một loạt công ty sản xuất chất bán dẫn.
Trong lễ ra mắt Ban Thường vụ Bộ Chính trị, ông Lý Cường xếp thứ hai ngay sau ông Tập. Giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy ông nhiều khả năng sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Khắc Cường, người sẽ nghỉ hưu vào tháng 3.2023.
Ông Triệu Lạc Tế
Ông Triệu Lạc Tế, 65 tuổi, là Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng khóa 19, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông sinh ra ở Tây Ninh, thủ phủ tỉnh Thanh Hải, tây bắc Trung Quốc. Bố mẹ ông là người gốc Thiểm Tây, cùng quê với ông Tập.
Ông Triệu tốt nghiệp khoa Triết, Đại học Bắc Kinh, từng dạy học ba năm ở Trường Thương mại Thanh Hải. Năm 1993, ông đảm nhận chức vụ Phó Thị trưởng kiêm Bí thư Thành ủy Tây Ninh ở tỉnh Thanh Hải.
7 năm sau, ở tuổi 42, ông trở thành Tỉnh trưởng Thanh Hải và là lãnh đạo cấp tỉnh trẻ nhất Trung Quốc lúc bấy giờ. Trong nhiệm kỳ của ông, Thanh Hải chứng kiến tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, với GDP tăng gấp ba lần trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2007.
Năm 2007, ông Triệu Lạc Tế được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây, nơi người dân vẫn gọi ông là "bí thư nhân dân" vì những chuyến thăm thường xuyên tới các khu vực nghèo khó. Năm 2008, Thiểm Tây đạt mức tăng trưởng GDP 15%, trở thành một trong hai đơn vị cấp tỉnh khi đó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP trên 13%.
Ông Triệu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa 16, 17 và 18. Tháng 11.2012, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và trở thành Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị vào năm 2017.
Ông từng giữ chức Bí thư Ban bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012-2017.
Ông Vương Hỗ Ninh
Ông Vương Hỗ Ninh, 67 tuổi, là Bí thư thứ nhất Ban Bí thư khóa 19. Ông quê ở Thượng Hải, là giáo sư, thạc sĩ luật học chuyên ngành chính trị quốc tế của Đại học Phúc Đán.
Ông Vương giữ chức Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu Chính sách Trung ương tháng 10.2002 - 10.2020. Tháng 10.2017, ông được bổ nhiệm làm Bí thư thứ nhất Ban Bí thư.
Ông được đánh giá là nhà lý luận đóng vai trò quan trọng đối với học thuyết của ba lãnh đạo Trung Quốc là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình. Ông cũng được coi là kiến trúc sư của khẩu hiệu "giấc mộng Trung Hoa" và các chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn của Trung Quốc.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông Vương tại Trung Quốc là Nước Mỹ chống lại nước Mỹ, nhận định Mỹ "không tránh khỏi sự sụp đổ" vì "các giá trị văn hóa suy đồi và chủ nghĩa cá nhân".
Ông Vương thường tháp tùng ông Tập trong các chuyến thị sát và thăm cấp nhà nước quan trọng. Hồi tháng 7, ông tháp tùng ông Tập tới Hong Kong nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành phố trở về với Trung Quốc.
Ông Vương là chuyên gia trong lĩnh vực đối ngoại có thể đóng vai trò quan trọng trong hiện thực hóa chiến lược lớn của ông Tập, được nêu trong bài phát biểu hôm 16.10. Ông Tập cam kết đưa Trung Quốc lên vị trí hàng đầu trong số các cường quốc toàn cầu trước năm 2049, khi Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập, và sẽ làm như vậy bằng cách vạch ra con đường riêng của Trung Quốc, không theo mô hình phương Tây.
Ông Thái Kỳ
Ông Thái Kỳ, 66 tuổi, là Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, từng chịu trách nhiệm giám sát tổ chức sự kiện Thế vận hội Mùa đông tại thành phố này hồi tháng 2. Ông Thái Kỳ sinh tại tỉnh Phúc Kiến, theo học Đại học Sư phạm Phúc Kiến và tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành giáo dục chính trị năm 1978. Ông Thái nhận bằng tiến sĩ kinh tế học năm 2011.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Thái công tác tại trường rồi chuyển tới làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy Phúc Kiến và đảm nhận các chức vụ trong tỉnh tới năm 1999 thì chuyển công tác tới Chiết Giang. Ông Thái từng công tác ở địa phương này trong thời gian ông Tập giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang.
Năm 2014, ông được điều về Thủ đô Bắc Kinh giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban An ninh quốc gia, cơ quan do ông Tập thành lập. Tháng 10.2016, ông được bầu làm thị trưởng Bắc Kinh, sau đó trở thành Bí thư Thành ủy Bắc Kinh vào tháng 5.2017.
Sau đại hội đảng lần thứ 20, ông Thái được bổ nhiệm làm Bí thư Thứ nhất Ban bí thư, chịu trách nhiệm quản lý công việc hằng ngày của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Đinh Tiết Tường
Ông Đinh Tiết Tường, 60 tuổi, đang là Bí thư Ban bí thư, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đảng.
Ông sinh tại tỉnh Giang Tô, tốt nghiệp Học viện Máy móc Hạng nặng tại Tần Hoàng Đảo, sau đổi tên thành đại học Yến Sơn. Ông công tác tại Viện Nghiên cứu Vật liệu Thượng Hải năm 1982-1999.
Năm 1999, ông Đinh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Ủy ban Khoa học và Công nghệ TP Thượng Hải. Ông Đinh giữ chức Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thượng Hải trước khi chuyển đến Bắc Kinh làm thư ký cho ông Tập.
Tháng 10.2017, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đảng và chưa từng giữ chức bí thư tỉnh ủy hay lãnh đạo cấp tỉnh.
Ông Đinh thường tháp tùng ông Tập trong các sự kiện chính thức, trong đó có chuyến thăm Hong Kong và Tân Cương hồi tháng 7.
Ông Lý Hi
Ông Lý Hi, 66 tuổi, đang là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị ở tuổi 20 tại quê nhà tỉnh Cam Túc, từ trước khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Tây Bắc. Ông Lý đảm nhận các chức vụ tại tỉnh Cam Túc tới khi được điều chuyển sang tỉnh Thiểm Tây vào năm 2006.
Ông Lý đã quen biết ông Tập từ những năm 1980, khi làm thư ký cho một quan chức thân cận với cha ông Tập, cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân.
Năm 2011, ông Lý được bổ nhiệm làm lãnh đạo Phòng Tổ chức TP Thượng Hải. Sau đó, ông tới tỉnh Liêu Ninh và trở thành tỉnh trưởng.
Tháng 5.2015, ông Lý trở thành Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh. Sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 năm 2017, ông Lý được bổ nhiệm làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông.
Việc ông Lý Hi trở thành Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị được coi là sự ghi nhận thành công của ông trong thúc đẩy hội nhập giữa Quảng Đông, nơi có trung tâm công nghệ Thâm Quyến, và trung tâm tài chính quốc tế Hong Kong.
Sau đại hội đảng lần thứ 20, ông Lý được bầu làm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đảng, trở thành "bàn tay sắt" chống tham nhũng mới của Trung Quốc. Ông được cho là sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" mà ông Tập khởi xướng.
"Khi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh, ông Lý Hi được biết đến với lập trường cứng rắn chống tham nhũng và nhiệt tình ủng hộ việc ông Tập kêu gọi thực thi kỷ luật đảng nghiêm khắc hơn", Cheng Li, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton tại Viện Brookings, nhóm nghiên cứu trụ sở tại Mỹ, nói.
Dylan Loh, giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho rằng những người được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đều là những gương mặt quen thuộc và sẽ củng cố vị thế "lãnh đạo hạt nhân" của ông Tập Cận Bình trong theo đuổi các chính sách đối nội và đối ngoại mà ông đã vạch ra.
"Tôi cho rằng với cơ cấu lãnh đạo này, các chính sách của Trung Quốc trong 5 năm tới sẽ không có nhiều biến chuyển lớn và các ưu tiên của ông Tập cũng sẽ không thay đổi", giáo sư Loh nói.
Theo VnExpress