Chưa quy định rõ dấu hiệu đáng ngờ trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Chính trị - Ngày đăng : 17:25, 24/10/2022

Chiều 24.10, đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

3 nội dung cần cụ thể trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương có 3 ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đóng góp 3 nội dung cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Đối với việc ban hành quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền (PCRT), mặc dù dự thảo đã loại bỏ bớt một số nội dung trong quy định nội bộ của doanh nghiệp siêu nhỏ và cá nhân nhưng với loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ và cá nhân có quy mô, số lượng lao động, tổng doanh thu hoặc tổng nguồn vốn không lớn vẫn phải thực hiện 6 phần, 10 nội dung của đối tượng là tổ chức. Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho rằng quy định này không cần thiết. 

Đối với việc quy định dấu hiệu đáng ngờ trong dự thảo luật, ngoài các quy định về dấu hiệu đáng ngờ cơ bản thì với nhiều lĩnh vực như ngân hàng trung gian thanh toán, kinh doanh, bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán, trò chơi có thưởng, bất động sản, chuyển tiền điện tử, cần quy định cụ thể hơn.

"Đây là những lĩnh vực có khả năng cao xuất hiện các giao dịch đáng ngờ mà đối tượng phải có trách nhiệm báo cáo. Tuy nhiên, việc quy định dấu hiệu đáng ngờ trong một số ngành, lĩnh vực ở dự thảo vẫn mang tính định tính, chưa rõ ràng, rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ", đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho biết.

Đại biểu cho rằng dự thảo luật này nhằm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về PCRT và đã quy định áp dụng biện pháp tạm thời trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản. Trong khi đó, quyền sở hữu, quyền định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản của cá nhân, tổ chức đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015. Do vậy, để tránh tình trạng lạm dụng hoặc áp dụng các biện pháp tạm thời như trong dự thảo luật một cách tùy tiện, thiếu căn cứ pháp lý, đồng thời bảo đảm tính chính xác khi áp dụng các biện pháp tạm thời thì cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để bổ sung quy định về tính chịu trách nhiệm đối với việc áp dụng biện pháp tạm thời của đối tượng. 

Cần thiết sửa đổi nội quy kỳ họp Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhất trí cần thiết phải sửa đổi nội quy kỳ họp Quốc hội và nhận thấy một số nội dung đã được thực hiện ngay tại kỳ họp này.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng cần thiết phải sửa đổi nội quy kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Về nội dung lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến quy định tại điều 10 dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng dự thảo chưa quy định kết quả lấy phiếu sẽ được xử lý như thế nào. Tại điều 17 về phiên họp toàn thể của Quốc hội, đại biểu cho rằng định nghĩa phiên họp toàn thể chưa thực sự chuẩn xác, liệt kê như dự thảo là chưa đủ. 

Các đại biểu dự phiên thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Liên quan đến điều 26 về biên bản kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng với sự phát triển của công nghệ hiện nay, tại các phiên họp toàn thể cũng như các phiên họp tổ và tại kỳ họp này, Quốc hội đang thực hiện thí điểm văn bản nhận dạng âm thanh được đại biểu xác nhận, kể cả chủ tọa và thư ký phiên họp cũng ký xác nhận. Đại biểu đề nghị cần ghi nhận biên bản gỡ băng hoặc phiên biểu bản văn bản nhận dạng âm thanh hiện nay là một trong những loại biên bản chính thức của kỳ họp.

PHONG TUYẾT