Nghệ sĩ Mỹ mê gốm mang thông điệp hòa bình
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 21:06, 24/10/2022
Nghệ sĩ Joel Bennett cùng nhà điêu khắc Đỗ Quốc Vỵ giới thiệu về sản phẩm gốm kết hợp âm nhạc mà hai người cùng thực hiện
Yêu gốm Hải Dương
Sáng cuối thu, trong căn phòng nhỏ của Hội Người mù tỉnh ở phố Đồng Xuân (TP Hải Dương), tiếng nhạc rộn ràng khiến nhiều người lạ lẫm. Ở đây, các em nhỏ khiếm thị đang phiêu cùng tiếng đàn pinano của một người đàn ông cao, gầy mà họa sĩ, nhà điêu khắc Đỗ Quốc Vỵ giới thiệu, đó là nghệ sĩ Joel Bennett - người mang thông điệp hòa bình cũng là người mê gốm Hải Dương.
Sự tò mò, ngưỡng mộ về một đất nước nhỏ bé nhưng dũng cảm ở phía bên kia bán cầu đã thôi thúc nghệ sĩ Joel Bennett theo bạn đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1992. Bạn của ông đã từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam và rất ám ảnh khi trở về Mỹ. Đến Việt Nam, ông Joel Bennett đã cùng bạn mở bệnh viện ở khu Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) và tham gia nhiều hoạt động từ thiện. “Trong một buổi triển lãm gốm tại Hà Nội, tôi đã tình cờ gặp Joel Bennett và đồng hành cùng nhau từ ngày đó”, ông Đỗ Quốc Vỵ kể.
Nghệ sĩ Joel Bennett hướng dẫn trẻ khiếm thị tạo hình cho gốm trên bàn xoay
Từ cuộc gặp gỡ đầu tiên với nhà điêu khắc Đỗ Quốc Vỵ, nghệ sĩ Joel Bennett đã 8 lần tới Việt Nam và lần nào cũng ghé thăm Hải Dương. Khi về mảnh đất xứ Đông, ông Joel Bennett khá ấn tượng với những dòng gốm cổ. Ông từng dành hàng tháng trời ăn ngủ ở những lò sản xuất gốm Cậy. Sự tinh tế trong quy trình làm gốm đến cách phối màu, tạo men đã hút người đàn ông ngoại quốc mê gốm này. Nghệ sĩ Joel Bennett cho biết: “Gốm là tinh hoa của đất mẹ và Hải Dương là một trong cái nôi của nghề gốm”.
Yêu gốm nên nghệ sĩ Joel Bennett tìm hiểu khá kỹ về từng loại đất làm ra sản phẩm này
Nghệ sĩ Joel Bennett từng giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Santa Rosa Junior (Mỹ). Ông đã đoạt nhiều giải thưởng về gốm, điêu khắc gốm ở Mỹ và quốc tế. Chất men bóng (burnishing) và những vân màu tự nhiên có được khi nung trên gốm là sở trường và phong cách riêng của ông. Gốm của nghệ sĩ đặc biệt ở chỗ được nung 2 lần. Màu sắc của gốm được hình thành từ các chất liệu tự nhiên như: rong biển, mùn cưa, cát, gỗ, thậm chí là cỏ và rơm. Vẻ bóng như đá trên bề mặt gốm có được là nhờ trước khi nung, ông đã chà xát và đánh bóng tác phẩm với đá cuội làm nó sáng lên, mịn màng. “Mê gốm nên Joel Bennett đã có nhiều sáng tạo trong từng tác phẩm. Ông ấy đã nghiên cứu và làm những sản phẩm gốm kết hợp với âm nhạc. Gốm có thể tạo ra âm thanh. Đó cũng là cách để nghệ sĩ rút ngắn khoảng cách vô hình giữa người khiếm thị với người bình thường”, ông Đỗ Quốc Vỵ chia sẻ.
Tìm “ánh sáng” từ đất
Nghệ sĩ Joel Bennett cùng các em nhỏ khiếm thị của Hải Dương cùng chơi nhạc trước khi vào học làm gốm
Giải thích cho những điều vừa nói, ông Đỗ Quốc Vỵ bảo nghệ sĩ Joel Bennett được trẻ khiếm thị gọi là thầy. Bởi ông đã giúp các em tuy không nhìn thấy nhưng biết vẽ, biết hát và làm gốm. Joel Bennett nói với tôi: "Ẩn sâu bên trong mỗi con người đều có chất nghệ sĩ mà đối với những người khiếm thị, sự tinh tế và chất nghệ sĩ ấy đến từ chính đôi tay".
Trong một buổi sáng chúng tôi được chứng kiến nghệ sĩ Joel Bennett kiên trì dạy các em khiếm thị làm gốm. Đầu tiên là các em được chạm tay vào đất sét để cảm nhận. Sau đó, chính nghệ sĩ nắn nót từng bàn tay nhỏ bé xoay tròn theo khuôn đất để tạo hình cho sản phẩm. Dạy làm gốm cho người tinh mắt vốn không dễ thì với người khiếm thị khó gấp nhiều lần. Các em không nhìn thấy chỉ có thể tạo sản phẩm bằng sự cảm nhận của đôi tay nên phải thật tĩnh tâm và đam mê. Em Nguyễn Văn Mạnh quê ở huyện Kim Thành, học sinh khiếm thị được thầy Joel chỉ dạy làm gốm cho biết: “Ban đầu em không nghĩ mình có thể chơi được nhạc, làm được gốm nhưng được thầy Joel Bennett chỉ dẫn chúng em đã làm được. Thật thích khi em biết chơi nhạc cùng các bạn và có thể làm được bình gốm tặng mẹ”.
Những tác phẩm gốm do các em nhỏ khiếm thị của Hải Dương thực hiện
Đến Việt Nam 8 lần thì 3 lần ông ở lại Hải Dương hàng tháng trời và cũng trong thời gian này ông gắn bó với trẻ khiếm thị của tỉnh. Ông dạy các em học đàn, làm gốm và vẽ tranh. Là nghệ sĩ yêu chuộng hòa bình, giàu lòng nhân ái, ông muốn truyền cảm hứng, niềm tin vào cuộc sống cho người khuyết tật. “Cuộc sống của trẻ khiếm thị Hải Dương còn nhiều khó khăn. Tôi hy vọng từ đất mẹ Hải Dương, các em thêm niềm tin vào cuộc sống. Từ làm gốm các em khuyết tật có thể tìm được cơ hội nuôi sống chính mình mà không phải dựa dẫm quá nhiều vào người khác”, nghệ sĩ Joel Bennett nói.
Cùng phát triển gốm Việt
Các tác phẩm gốm của các em khiếm thị được nhiều người xem thích thú tìm hiểu
Gắn bó với gốm nhiều năm, tìm hiểu rất nhiều về các dòng gốm của Hải Dương, nghệ sĩ Joel Bennett khao khát được góp một phần nhỏ giúp Việt Nam xây dựng thương hiệu gốm Việt vươn tầm quốc tế. Bởi theo ông, gốm Việt Nam có từ lâu đời, tinh hoa và đẹp đẽ. Gốm Việt Nam đã từng có mặt ở nhiều nước trên thế giới vì thế không thể để các lò gốm lụi tàn theo thời gian. “Thật tiếc khi đến làng Cậy các lò gốm đang mất dần. Người làm gốm Chu Đậu cũng ngày càng ít đi. Tôi mong muốn cùng các bạn Hải Dương xây dựng các tour du lịch gắn với các làng nghề gốm để du khách, nhất là khách nước ngoài như chúng tôi được tìm hiểu và trải nghiệm về nghề này. Từ biết về gốm, yêu gốm mà họ mới sẵn sàng mua gốm về dùng, về chơi”, ông Joel Bennett nói.
Một trong những mục tiêu hai nghệ sĩ Joel Bennett và Đỗ Quốc Vỵ hướng tới là góp phần khôi phục nghề gốm, tạo việc làm cho người khuyết tật. Theo ông Đỗ Quốc Vỵ, những tác phẩm của các em có thể trở thành quà lưu niệm bày bán tại các điểm du lịch. Điều quan trọng cách làm gốm của nghệ sĩ Joel Bennett có thể giúp chúng ta cải thiện môi trường thông qua sử dụng rác thải từ vỏ trứng, vỏ chuối, rong, rơm, những phụ phẩm của nông nghiệp. Đặc biệt, trong mỗi sản phẩm gốm được làm theo phong cách Joel Bennett đều có thể tạo ra âm thanh. “Âm nhạc tạo ra từ gốm, một sản phẩm từ đất mẹ rất lạ và thú vị. Hy vọng đây sẻ là sản phẩm được nhiều người yêu thích trong tương lai”, Joel Bennett nói.
Nghệ sĩ Joel Bennett chơi nhạc từ chính sản phẩm gốm do ông và các em nhỏ khiếm thị làm ra
Triển lãm với chủ đề “Ngày sinh nhật” và “Bữa tiệc sắc màu” do nghệ sĩ Joel Bennett cùng một số cộng sự tổ chức tại phố Đồng Xuân (TP Hải Dương) chiều 23.10 thu hút khá nhiều người đến dự. Triển lãm được tổ chức vào đúng sinh nhật của nghệ sĩ Joel Bennett. Trong khuôn viên nhỏ, những tác phẩm của nghệ sĩ, đồng nghiệp và những trẻ khiếm thị khiến nhiều người ngạc nhiên. Ông Nguyễn Huy Chương, nguyên Phó Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, người gắn bó với nghệ sĩ Joel Bennett từ những ngày đầu về Việt Nam nhận xét: Joel Bennett là nghệ sĩ của hòa bình. Ông cũng chính là một trong những tác giả, người có những đóng góp không nhỏ cho sự hình thành của con đường gốm sứ nổi tiếng ở Hà Nội. Ông đến Việt Nam mang khát vọng của sự hòa hợp, đoàn kết giữa các dân tộc, giữa con người với con người trên toàn thế giới. Đặc biệt, sự trắc ẩn và lòng nhân văn trong tâm hồn đã thôi thúc ông muốn làm điều gì đó cho những trẻ em khuyết tật của Việt Nam. Ông muốn họ tìm “ánh sáng”, hạnh phúc và niềm vui từ chính bàn tay của mình.
Triển lãm “Ngày sinh nhật” và “Bữa tiệc sắc màu” do nghệ sĩ Joel Bennett cùng một số cộng sự tổ chức tại phố Đồng Xuân (TP Hải Dương) diễn ra từ ngày 23.10 đến hết năm 2022. Tại đây, trưng bày hơn 200 trăm tác phẩm gốm, tranh vẽ do nghệ sĩ Joel Bennett, Đỗ Quốc Vỵ và các em khiếm thị của Hội Người mù tỉnh thực hiện. Các tác phẩm này dự kiến được bán đấu giá hoặc trao tặng cho những nhà hảo tâm đã từng hỗ trợ các em khiếm thị của tỉnh. |
HẢI MINH