Giữ vững chất lượng vùng cà rốt xuất khẩu

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:00, 25/10/2022

Nhằm bảo đảm chất lượng cà rốt, đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của các nước, nông dân trong tỉnh đều tuân theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp cũng như sản xuất theo quy trình VietGAP.


Hầu hết các vùng trồng cà rốt đều được nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, kể cả các thị trường khó tính như khu vực châu Âu 


Hằng năm, có tới gần 80% sản lượng cà rốt Hải Dương được xuất khẩu sang thị trường các nước, thu về cả nghìn tỷ đồng. Duy trì và giữ vững chất lượng cà rốt là nhiệm vụ quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh.

Mở rộng vùng trồng

Tranh thủ thời tiết nắng đẹp, ông Đỗ Huy Văn ở thôn Mạc Bình, xã Thái Tân (Nam Sách) huy động thêm nhân lực để khẩn trương gieo trồng nốt diện tích cà rốt còn lại. Ông Văn cho biết, khu vực này trước đây người dân thường trồng dưa hấu nhưng vụ này các hộ đều bảo nhau chuyển sang trồng cà rốt. Mấy năm gần đây cây dưa hấu kém, dưa trồng sắp đến kỳ thu hoạch lại bị héo dây, quả ngừng phát triển. Trồng cà rốt giá cả ổn định, chi phí thấp, chăm sóc cũng ít vất vả hơn so với trồng dưa.

Thời điểm này, xã Thái Tân (Nam Sách) đã gieo trồng xong toàn bộ 160 ha cà rốt, tăng 30 ha so với những năm trước. Năm nay, cà rốt không chỉ trồng ở bãi sông mà còn được mở rộng vào trong đồng. Trước đây, khu vực này nông dân thường trồng dưa hấu, rau ăn lá, hành tỏi..., nhưng gần đây, nhận thấy cà rốt có giá cả ổn định, tiêu thụ thuận lợi hơn nên nhiều hộ chuyển sang trồng cà rốt.

Vụ này, diện tích trồng cà rốt ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) cũng được mở rộng từ 360 ha lên gần 400 ha. Vùng trồng cà rốt được phát triển sang cả những vùng trước đây chỉ trồng lúa. Để cà rốt phát triển tốt, nông dân mua thêm đất phù sa ở những nơi khác về cải tạo đất. Hiện tất cả các vùng trồng cà rốt trên địa bàn xã đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó diện tích đạt tiêu chuẩn là 80 ha, tăng 20 ha so với vụ trước.

“Đức Chính là “thủ phủ” của cây cà rốt nên nông dân có nhiều kinh nghiệm sản xuất. Đầu mỗi vụ sản xuất, HTX vẫn phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn nông dân chăm sóc và cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để vừa hiệu quả lại đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu của các nước”, ông Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính nói.

Đến giữa tháng 10, nông dân trong tỉnh đã trồng khoảng 1.500 ha cà rốt, vượt khoảng 300 ha so với kế hoạch. Các địa phương tiếp tục duy trì 8 vùng cà rốt với diện tích 281 ha và mở rộng thêm 76 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách. Không chỉ các vùng trồng đã được cấp chứng nhận, nông dân các vùng còn lại cũng đều tuân thủ sản xuất theo quy trình VietGAP. Bên cạnh diện tích trồng cà rốt trong tỉnh, nông dân còn thuê hàng nghìn ha đất ở các tỉnh, thành phố khác để tăng sản lượng cà rốt. Ngoài trồng ở bãi sông, cây cà rốt còn được đưa vào trồng ở các vùng trong đồng. Một số diện tích trồng cây vụ đông khác đã được chuyển sang trồng cà rốt.

Gần 80% sản lượng cà rốt trong tỉnh đã được xuất khẩu sang thị trường các nước, thu về hàng nghìn tỷ đồng (ảnh tư liệu)


Hướng tới thị trường mới

Theo ước tính của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông năm 2021 – 2022 có khoảng 65.000 tấn cà rốt được xuất khẩu sang các nước, đạt 80% tổng sản lượng cà rốt. Vụ trước, mặc dù việc xuất khẩu tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cước vận chuyển tăng cao nhưng các doanh nghiệp đã chủ động xúc tiến tìm kiếm thị trường mới nên cà rốt vẫn tiêu thụ thuận lợi. Ngoài thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, các nước khu vực Trung Đông... cà rốt còn được xuất khẩu vào các thị trường mới như Mỹ, Pháp và một số nước châu Âu. Đây là tín hiệu vui với cả nông dân và những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh.

Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Nông sản Hưng Việt ở xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) cho biết: “Vụ trước, lần đầu tiên doanh nghiệp xuất khẩu thành công hơn 100 tấn cà rốt và cải bắp vào thị trường Pháp. Các lô hàng được thị trường các nước này đánh giá cao. Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng sản lượng xuất khẩu nông sản vào thị trường các nước châu Âu. Đây là những thị trường khó tính nhưng có nhiều tiềm năng, đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe nhưng có giá trị cao hơn những thị trường truyền thống như Malaysia, Hàn Quốc…”. Để bảo đảm số lượng nông sản xuất khẩu, ngoài 18 ha trồng cà rốt của doanh nghiệp, đơn vị còn liên kết với nông dân trồng hơn 70 ha. Các vùng trồng đều áp dụng tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng nông sản đồng đều và đáp ứng yêu cầu của các nước xuất khẩu.

Còn theo ông Lê Thái Nghiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, những năm gần đây, chất lượng cà rốt của Hải Dương được duy trì ổn định. Thay vì lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như trước thì nay hầu hết nông dân đều tuân theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là tuyến trùng và dư lượng chất Hexaconazole có trong củ cà rốt được kiểm soát chặt chẽ, giúp doanh nghiệp yên tâm thu mua xuất khẩu, đồng thời bảo vệ thương hiệu cà rốt của Hải Dương trên trường quốc tế.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu nhận định, vụ cà rốt này của Hải Dương sẽ có nhiều tín hiệu khả quan. Đầu vụ, thời tiết gieo trồng thuận lợi, lạnh sớm hơn mọi năm, trong khi đó một số vùng trồng cà rốt lớn ở Trung Quốc lại chịu cảnh hạn hán đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới thời vụ trồng cà rốt của quốc gia này. Đây có thể là cơ hội để cà rốt của Hải Dương “mở cửa” thêm các thị trường mới, tăng giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

TRẦN HIỀN