Hy vọng tăng lương

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:00, 27/10/2022

Chỉ khi đồng lương được trả xứng đáng với công sức thì người lao động mới phát huy được khả năng sáng tạo, gắn bó với nghề.

Tăng lương cơ sở sẽ giúp nhiều giáo viên gắn bó với nghề

Bạn tôi là giáo viên ở một trường THCS của huyện Gia Lộc nhấp nhổm xin nghỉ việc từ vài tháng trước để chuyển sang làm tư vấn bảo hiểm, nhưng cuối tuần vừa qua lại quyết định không chuyển nữa. Bạn bảo gần 15 năm gắn bó với trường lớp, học trò, kinh nghiệm giảng dạy cùng với những kiến thức học được trong môi trường giáo dục không dễ bỏ đi. Bạn cũng lo lắng dù công việc mới thu nhập sẽ cao hơn nhưng phải mày mò học việc lại từ đầu. Thậm chí môi trường làm việc mới sẽ áp lực và vất vả hơn nhiều vì bị giao doanh số. Nhưng điều quan trọng khiến bạn đi đến quyết định cuối cùng không bỏ việc chính là thông tin Chính phủ sẽ tăng lương cơ sở trong thời gian tới.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hơn 2 năm qua, cả nước có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế. Riêng trong ngành giáo dục có hơn 16.400 người nghỉ việc và ngành y tế là 12.198 người. Tại Hải Dương, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng cũng có không ít giáo viên đã quyết định rời bục giảng, thậm chí nhiều viên chức của một số cơ quan nhà nước đã chuyển sang công việc khác có thu nhập cao và ổn định hơn.

Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập thấp, lương không đủ sống. Việc nâng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 20,8% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức) vừa được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua sẽ là cơ sở để nhiều công chức, viên chức ở lại mà không tìm cách bỏ việc nữa. Có thể thu nhập từ tiền lương chưa nhiều nhưng đó là cơ sở ban đầu để Chính phủ thực hiện tốt hơn các chính sách đối với người lao động khu vực công những năm tiếp theo.

Tăng lương cơ sở là tin vui với nhiều công chức, viên chức nhưng Chính phủ cần thực hiện đồng bộ với việc kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng lương nhưng không tăng giá hàng hóa. Bởi qua những lần tăng lương trước đây, người lao động hầu như phải chứng kiến thị trường hàng hóa thiết lập ngay mặt bằng giá mới. Thậm chí số tiền tăng lương không theo kịp đà tăng giá hàng hóa. Vì vậy, cùng với lộ trình tăng lương thì việc kiểm soát lạm phát, xây dựng các chương trình bình ổn giá cần được thực hiện song hành. Nếu tăng lương mà giá hàng hóa dịch vụ cũng tăng theo, thậm chí tăng cao hơn thì tăng lương sẽ mất hết ý nghĩa và không công bằng với người lao động.

Về lâu dài, việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy theo hướng hiệu quả thực sự phải được làm tốt hơn nữa. Dẫu biết việc này rất khó khăn và phức tạp nhưng để nâng cao hiệu quả công việc, tăng sức cạnh tranh trong môi trường làm việc, từ đó có quỹ lương tốt trả công xứng đáng cho lao động làm tốt thì cần thực hiện quyết liệt.

Nếu được, Quốc hội có thể xem xét tăng lương cơ sở sớm hơn vào đầu năm 2023 thay vì để đến tháng 7. Việc tăng lương cho người lao động khu vực nhà nước so với khu vực doanh nghiệp đã chậm hơn rất nhiều. Thực tế từ 3 năm qua, mức lương cơ sở mới chỉ được điều chỉnh 1 lần từ tháng 7.2019, trong khi lương tối thiểu vùng của lao động ngoài nhà nước đã được điều chỉnh 3 lần (lần 1 vào tháng 1.2019 tăng khoảng 5,23%; lần 2 vào tháng 1 của năm 2020 tăng khoảng 5,5% và lần 3 từ ngày 1.7.2022 tăng khoảng 6%). Tăng lương sớm sẽ bớt thiệt thòi cho công chức, viên chức.

Thời nào cũng thế, chỉ khi đồng lương được trả xứng đáng với công sức thì người lao động mới phát huy được khả năng sáng tạo, kích thích sự cống hiến, đam mê, gắn bó với công việc.

BẢO ANH