Không nâng cao năng suất lao động sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển 

Chính trị - Ngày đăng : 20:36, 28/10/2022

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị bổ sung mục tiêu “cải thiện rõ rệt năng suất lao động xã hội” vào mục tiêu tổng quát.

Phát biểu tại hội trường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho biết năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp so với các nước ASEAN (ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội)

Chiều 28.10, đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; phương án phân bổ ngân sách Trung ương và tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại hội trường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho biết năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp so với các nước ASEAN. Thời gian tới, nếu không quyết tâm nâng cao thì khó thu hẹp khoảng cách với các quốc gia, ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi nước ta phải đối mặt với già hóa dân số, lao động trong 20 năm tới. 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đặc biệt quan tâm đến chỉ tiêu thứ 5 về tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) xã hội trong 15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu ước thực hiện năm 2022 được nêu tại phụ lục báo cáo của Chính phủ. Đây cũng là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt năm 2022, thậm chí thấp hơn so với năm 2021, chênh lệch giữa mục tiêu đề ra và ước thực hiện khá lớn (mục tiêu đề ra là 5,5%, ước thực hiện chỉ ở mức từ 3,8 - 4,3%).

Cho rằng tăng NSLĐ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không đạt trong khi các chỉ tiêu khác bảo đảm cho tăng trưởng NSLĐ đều đạt và vượt, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá điều này chứng tỏ chất lượng lao động, nguồn nhân lực còn thấp, ý thức lao động chưa cao, tiềm năng chưa được khai thác tốt.

“Điều đáng nói, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030; trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm gia đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm đều nhấn mạnh tầm quan trọng của nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và tiến bộ khoa học, kỹ thuật để cải thiện NSLĐ nhưng chỉ số này ngày càng tỉ lệ nghịch với những nỗ lực đó”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ sự quan ngại.

Đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, xem xét để bổ sung mục tiêu “cải thiện rõ rệt NSLĐ xã hội” vào phần mục tiêu tổng quát và đi cùng mục tiêu này là các giải pháp như nâng cao chất lượng đào tạo nghề, kỷ luật, kỷ cương lao động và nâng cao năng lực, tư duy của lao động để theo kịp khoa học, kỹ thuật; đồng thời, gắn trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương với việc nâng cao NSLĐ.

PHONG TUYẾT